Dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém đan xen. Để thực hiện chủ đề năm 2020 của TPHCM là “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, cần nhìn thẳng vào tồn tại để có những giải pháp hợp lý.
Nhìn tổng thể, VH-NT đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật, từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc..., thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước, ca ngợi cuộc sống, con người. VH-NT cũng đã có nhiều nỗ lực trong sáng tạo, phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội.
TPHCM có thị trường VH-NT khá phát triển trong cả nước. Về hoạt động trên lĩnh vực này trong những năm qua cũng có sự thay đổi tích cực, nội dung tương đối phong phú, đa dạng. Một số vở diễn, bộ phim mang tính nhân văn sâu sắc, các đề tài phản ánh trong các tác phẩm cũng ngày càng đa dạng, thời sự. Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, thời trang hoạt động khá sôi nổi với nhiều sự kiện quy mô, chuyên nghiệp, góp phần khẳng định thương hiệu của các nhãn hàng thời trang uy tín của thành phố.
Dù có nhiều nỗ lực, nhưng quản lý nhà nước vẫn còn một số tồn tại gắn với chất lượng hoạt động VH-NT trên địa bàn. Một số lĩnh vực còn chậm trong công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn. Bên cạnh đó là việc rà soát, bổ sung, xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ, chính sách khuyến khích tài năng trẻ và hoạt động VH-NT chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn vận động chung trên lĩnh vực này.
Vai trò của VH-NT trong sự phát triển chung của đời sống xã hội có lúc, có nơi chưa được nhìn nhận đúng mức, chưa có sự quan tâm đầu tư xứng tầm. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực VH-NT chưa ngang tầm với vị trí, vai trò, khả năng và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố. Bên cạnh đó, việc công bố, quảng bá các sản phẩm VH-NT tràn lan trên không gian mạng của các cá nhân, tổ chức mà chưa có sự phối hợp quản lý, kiểm duyệt của các cơ quan chuyên môn dẫn đến việc phổ biến các tác phẩm nghệ thuật kém về chất lượng chuyên môn, lệch lạc về nội dung tư tưởng.
Việc tiếp thu thiếu chọn lọc tinh hoa văn hóa của thế giới, xu hướng thương mại hóa trên lĩnh vực VH-NT tác động không nhỏ đến sự hình thành nên xu hướng thưởng thức, ảnh hưởng đến quan niệm, nếp nghĩ, đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Điều này sâu xa tiềm ẩn nguy cơ phai nhạt đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc.
Một mối lo khác là công tác đầu tư cho thiết chế văn hóa về VH-NT chưa được quan tâm đúng mức, một số công trình trọng điểm triển khai xây dựng chậm; đầu tư quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chưa thật hiệu quả.
Đẩy mạnh các đề án văn hóa
Năm 2020 được thành phố chọn là năm “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, đối với lĩnh vực văn hóa, có nhiều nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, có thể kể đến việc tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, ở cơ sở và gia đình; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cho phát triển VH-NT; tập trung công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, nhằm nâng cao tính tư tưởng, nhân văn, khoa học, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.
Vậy, đâu là việc mà ngành văn hóa phải nỗ lực thực hiện? Trước tiên, đó là phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và các hội VH-NT chuyên ngành, làm sao để xây dựng được đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh về phẩm chất chính trị, về chuyên môn nghệ thuật; đảm bảo hiệu quả đầu tư sáng tác song hành với quảng bá tác phẩm; chăm lo tốt đời sống văn nghệ sĩ; tăng cường giáo dục truyền thống đối với văn nghệ sĩ trẻ.
Ngoài ra, phải tăng cường nguồn lực cho phát triển VH-NT, đẩy mạnh đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa dành cho VH-NT. Cụ thể phải khẩn trương hoàn thành việc thực hiện đề án tổ chức, sắp xếp các đơn vị nghệ thuật công lập TPHCM, song song việc đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng các dự án, công trình trọng điểm: Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch; Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật đa năng, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Rà soát, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất hiện hữu nhằm đảm bảo phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Đó là về thiết chế văn hóa, cần thiết tập trung xây dựng các đề án gắn với ngành VH-NT TPHCM như đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn TPHCM, đề án Quy hoạch ngành văn hóa, đề án Hỗ trợ, khuyến khích các nguồn lực xã hội trên lĩnh vực VH-NT, các kế hoạch liên tịch giữa Sở VH-TT với các sở liên quan trong quảng bá, đào tạo VH-NT dân tộc trên địa bàn thành phố, khai thác tiềm năng lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.
Một vấn đề quan trọng nữa là phải nghiên cứu, tham mưu xây dựng kế hoạch về công tác phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng để tăng cường vai trò quản lý các hoạt động VH-NT, đặc biệt là các sản phẩm trên không gian mạng. Và cần thiết phải tập trung đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực VH-NT, đáp ứng yêu cầu hoạt động và phát triển trong tình hình mới.