Đổi thay
Hơn 15 năm về trước, khi nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (qua địa bàn các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), người ta chỉ nghĩ ngay đến con kênh ô nhiễm bậc nhất TPHCM với màu nước đen đặc, đầy rác và hôi thối, sinh vật khó lòng sống nổi. Tình trạng này cũng diễn ra ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm, qua các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 6, quận 11.
Đây từng là tuyến kênh bị lấn chiếm trái phép hàng chục năm khiến nhiều người dân ven kênh phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, rác thải bủa vây. Với quyết tâm cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) được thiết kế với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Sau gần 10 năm triển khai, năm 2012, công trình xây dựng, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh được khánh thành, đánh dấu sự hồi sinh của dòng kênh.
Tương tự, với tổng vốn đầu tư hơn 167 triệu USD, kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 7,5km, các nhánh phụ dài 1,2km, chạy qua các quận 6, 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân cũng đã được thành phố cải tạo, nâng cấp và khánh thành năm 2015, góp phần chỉnh trang đô thị đem lại niềm vui cho người dân trong khu vực.
Trao đổi với người dân ở khu vực này, chúng tôi ghi nhận được sự phấn khởi, vui mừng. Cô Lê Thị Mười, ngụ đường Hoàng Sa, quận 3, tâm sự, trong suy nghĩ, cô không ngờ môi trường được cải thiện tốt như vậy. Sáng chiều, nhìn dòng người tập trung ra ven kênh tập thể dục, vui chơi trong lòng cô thấy rất vui. Cùng tâm trạng này, chú Lê Hùng, đường Hậu Giang, quận 6, chia sẻ, đôi bờ đã mang một diện mạo mới, môi trường trong lành, thu hút người dân dạo bộ, tập thể dục, hóng gió xuất hiện ngày càng đông.
Hơn 10 năm trước, không ai muốn đi qua đây chứ đừng nói dừng lại ngắm cảnh, hóng mát vì vừa đến thì mùi hôi thối đã xộc lên tận mũi. “Thành phố đầu tư như vậy là tốt lắm rồi, trách nhiệm của người dân là cùng nhau bảo vệ dòng kênh được xanh sạch hơn. Giờ con kênh được mở rộng, thuyền bè đi lại thuận tiện, nước kênh xanh trong... cứ như một giấc mơ vậy”, chú Hùng bày tỏ.
Xử phạt nặng hành vi xả rác ra kênh rạch
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết, để duy trì và gìn giữ kết quả “xanh” của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công ty thường xuyên tiến hành vớt rác. Trung bình mỗi ngày, công ty vớt khoảng 10 tấn rác. Nhiều tuyến kênh nữa cũng đã được cải tạo, chỉnh trang góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ngay các dự án nhỏ như rạch Phan Văn Hân, rạch Lăng (quận Bình Thạnh), rạch Sơ Rơ (quận 12), kênh Tẻ (quận 7)... cũng đã tạo được cảnh quan thông thoáng và xanh sạch cho các lòng kênh. Những căn nhà tạm bợ, nhếch nhác không còn nữa, đời sống người dân đổi khác.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, từ năm 2016-2018, thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét 81,2km sông, kênh rạch với tổng số 229 tuyến. Đơn vị vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông 193 tuyến kênh rạch với chiều dài gần 60km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường. Hiện tại, TPHCM đang tập trung đôn đốc thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và kênh Tham Lương - Bến Cát.
Đây là 2 dự án lớn, kinh phí đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Theo kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, TPHCM sẽ mở rộng quy hoạch thoát nước gấp 3 lần so với hiện trạng (từ 650km2 lên 2.095km2). Vì vậy, công tác nạo vét, khơi thông các tuyến kênh rạch bị bồi lắng, ô nhiễm để tăng khả năng trữ, thoát nước, cải thiện môi trường sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được thành phố ưu tiên thực hiện. Để cải tạo kênh rạch, một mặt thành phố sẽ tiếp tục đầu tư các dự án nạo vét, mặt khác sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm kênh rạch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, những năm qua, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, kêu gọi không xả rác ra môi trường công cộng, kênh rạch được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố, qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, giảm đáng kể các điểm ô nhiễm do rác thải, rác tồn đọng trên các tuyến đường. Công tác nạo vét, dọn cỏ rác, vớt lục bình được thực hiện thường xuyên, góp phần tạo cảnh quan, thông thoáng dòng chảy.
Nhằm tăng cường xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường nơi công cộng góp phần hạn chế tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng, mỹ quan đô thị, UBND TPHCM cũng đã có công văn chỉ đạo Công an thành phố, Sở TN-MT cùng UBND 24 quận, huyện sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản xử phạt vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, kênh rạch.
Theo Sở TN-MT TPHCM, 7 tháng đầu năm 2020, UBND 24 quận, huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực môi trường tại địa phương, kết quả đã nhắc nhở 4.088 trường hợp (3.833 trường hợp liên quan đến vệ sinh môi trường nơi công cộng và 255 trường hợp liên quan đến ô nhiễm môi trường), xử phạt hành chính đối với 4.003 trường hợp (gồm 3.817 trường hợp về vệ sinh môi trường nơi công cộng và 186 trường hợp ô nhiễm môi trường), số tiền phạt 7,4 tỷ đồng (lĩnh vực vệ sinh môi trường khoảng 1,8 tỷ đồng và lĩnh vực ô nhiễm môi trường 5,6 tỷ đồng). Kết quả triển khai từ khi thực hiện Chỉ thị 19 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đến nay, về lĩnh vực môi trường, thành phố đã nhắc nhở 6.832 trường hợp, xử phạt với 10.848 trường hợp, số tiền 19,7 tỷ đồng. Các quận huyện tiếp tục vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung các camera an ninh, 7 tháng đầu năm 2020 đã lắp 6.058 camera an ninh kết hợp giám sát vệ sinh môi trường; nâng tổng số camera đã lắp đặt lên 31.320 camera. |