Chỗ sắp đến nơi, chỗ chưa xuất phát
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhận định, mặc dù trong 4 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện (năm 2017 tăng tới 14 bậc), song tốc độ triển khai thực hiện chưa đồng đều, nhiều chỉ tiêu chưa đạt, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.
Đồng quan điểm này, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, ghi nhận với sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua, số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng 13 lần với 520.000 doanh nghiệp hoạt động trong năm 2017. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam còn rất lớn, chưa được khai thác, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam vẫn còn kém, trong khi khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chi phí không chính thức vẫn chiếm đến 10%...
Trình bày cụ thể kết quả rà soát, cải cách quy định về điều kiện kinh doanh của từng bộ, ngành, địa phương, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ví von: “Nếu xem các bộ như những con tàu, thì có bộ đã ở ga cuối, nhưng cũng có bộ chưa vào vạch xuất phát”. Trong số các bộ được coi là đang làm tốt, theo ông Cung, có Bộ Công thương, Bộ Xây dựng…
Ở chiều ngược lại, Bộ Tài nguyên - Môi trường báo cáo đã thực hiện rà soát, đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh nhưng không gửi kèm theo nội dung rà soát và phương án bãi bỏ, đơn giản hóa. Bộ TT-TT đề xuất, bãi bỏ sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh, nhưng chưa có phương án sửa đổi cụ thể. Bộ GD-ĐT còn chưa có báo cáo về rà soát, cải cách theo nghị quyết của Chính phủ…
Ở các địa phương, nhìn chung hoạt động đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền được thực hiện tương đối thường xuyên; hầu hết địa phương đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến; nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, Cần Thơ… đã có sáng kiến cải cách thủ tục hành chính.
“Tình trạng trên nóng dưới lạnh vẫn còn, và kết quả nói trên có thể diễn dịch thành Thủ tướng, Phó Thủ tướng nóng, nhưng một số bộ trưởng còn lạnh, nhiều chủ tịch tỉnh, thành phố còn chưa nóng. Một số hiệp hội doanh nghiệp cũng chưa thấy nóng, chưa chủ động, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung để cải thiện môi trường kinh doanh”, người đứng đầu CIEM bình luận.
Về những điểm nhấn trọng tâm trong nội dung và cách thức triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2018, ông Cung nhấn mạnh yêu cầu tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, không cải thiện đáng kể trong mấy năm qua, nhất là khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới. Đồng thời, cần phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn với Tòa án nhân dân tối cao để có cải thiện đáng kể chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Đâu là dư địa để làm tốt hơn nữa?
Khẳng định Việt Nam đã làm tốt, nhưng còn dư địa để làm tốt hơn nữa, bà Catherine Masinde, Trưởng nhóm tư vấn toàn cầu về các quy định kinh doanh của WB, lưu ý: “Việt Nam cần thiết lập quy chế giải trình cho các cơ quan Chính phủ, từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo việc tuân thủ một hệ thống luật pháp thống nhất. Vì hiện nay, qua phản hồi từ khu vực kinh tế tư nhân, tính thực thi trong nhiều trường hợp vẫn chưa cao”.
Kiến nghị giải pháp, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất Chính phủ chỉ đạo, bắt buộc các bộ, ngành, địa phương phải áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung ứng các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4. Tất cả các bộ, ngành phải kết nối mọi thủ tục hành chính qua cổng thông tin điện tử quốc gia. Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp thực hiện đánh giá, khảo sát thực tế, cung cấp bằng chứng và tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đầy đủ mục tiêu của nghị quyết.
“Không phải cứ ra văn bản giao việc là xong”
Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, mặc dù Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao ở nhiều lĩnh vực, song thực tế vẫn còn có những chỉ số rất thấp, đòi hỏi phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, thậm chí, cần phải nỗ lực phi thường; đặc biệt là phải cơ cấu lại lao động.
Hiện Việt Nam còn khoảng 40% lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, trong khi các nước phát triển chỉ là 5% - 10%. Để đạt được tỷ lệ này, Việt Nam cần có thêm nhiều nhà máy, nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp, tương đương với mức trung bình của ASEAN là 100 người dân có 1 doanh nghiệp. Vì vậy, nhất thiết phải cải thiện môi trường kinh doanh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014 - 2017, năm nay việc thực hiện sẽ phải khắc phục tình trạng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và “trên nóng, dưới lạnh” ở ngay trong một bộ, ngành.
“Không phải cứ ra văn bản giao việc là xong, mà quan trọng là phải thực sự giải quyết được việc, tháo gỡ được vướng mắc cho doanh nghiệp. Muốn vậy, phải tăng cường đối thoại giữa các bộ, ngành, địa phương với doanh nghiệp. Các bộ, ngành cần sâu sát thực tế các địa phương, lựa chọn một số việc giải quyết đến cùng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả; từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân đóng góp, sáng tạo, phát huy giá trị của mình; khi khởi sự kinh doanh thì được hỗ trợ thông tin đầy đủ, theo pháp luật, phù hợp thông lệ thế giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.