Sau Nhà máy Nước Thủ Đức, gần 40 năm TPHCM mới có thêm nhà máy nước mới có công suất 300.000m³/ngày đêm- Nhà máy Nước (NMN) Tân Hiệp. So với Nhà máy nước Thủ Đức thì NMN Tân Hiệp hoạt động trong điều kiện gặp nhiều khó khăn khách quan hơn.
Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, NMN Tân Hiệp vẫn đảm bảo chất lượng nước đầu ra đạt các chỉ tiêu của Bộ Y tế và Bộ Xây dựng quy định - thậm chí có những chỉ tiêu xử lý tốt hơn như độ đục: 0,57 NTU so với quy chuẩn là 2,0 NTU; hàm lượng mangan (Mn): 0,05mg/l so với quy chuẩn là 0,3mg/l; hàm lượng sắt (Fe): 0,02mg/l so với quy chuẩn là 0,03mg/l ngay khi nguồn nước thô dùng để sản xuất nước bị ô nhiễm nặng, nguồn điện hoạt động sản xuất đôi lúc bị gián đoạn hay tình hình xâm nhập mặn nước sông Sài Gòn… Không dừng lại ở đó, đội ngũ cán bộ, công nhân NMN Tân Hiệp đã không ngừng thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động.
Từ khó khăn buổi đầu…
Ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn tự hào cho biết: Tân Hiệp là NMN đầu tiên của cả nước được TPHCM đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và vốn vay do đội ngũ cán bộ, công nhân viên, kỹ sư Việt Nam thực hiện từ khâu thiết kế đến thi công xây dựng. Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tình hình thiếu nước sinh hoạt tại khu vực phía Tây và Tây Nam TP rất gay gắt, như khu vực các quận 6, 8, 10, 11, Tân Bình, huyện Bình Chánh...
Và, việc xây dựng NMN lấy nước từ sông Sài Gòn đã được nghiên cứu từ năm 1988. Sở Công trình đô thị đã thành lập Ban chuẩn bị đầu tư cho dự án này. Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, Ban Chuẩn bị đầu tư nhà máy nước đề xuất thực hiện dự án cấp nước lấy từ nguồn nước sông Sài Gòn với vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD, tuy nhiên với điều kiện là cần trợ giúp về kỹ thuật của các nước tiên tiến. Vào thời điểm mà nguồn vốn trong nước rất thiếu thốn, cấm vận kinh tế chưa được dỡ bỏ nên việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cho dự án hết sức khó khăn.
Thế nhưng, những khó khăn về vốn cho dự án bước đầu được tháo gỡ sau khi bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế - kỹ thuật giữa Chính phủ Ý và Chính phủ Việt Nam được ký kết năm 1989. Sau hàng loạt thủ tục tiếp theo những tưởng dự án được “thuận buồm xuôi gió”, nhưng đến năm 1995, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thông báo phần viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ý theo ký kết trước đó không thực hiện được… Trước tình cảnh này, UBND TP đã tìm nhiều biện pháp để tiếp tục thực hiện dự án, kể cả việc tiến hành thương thảo nhượng lại dự án cho đầu tư nước ngoài nhưng không thành công, trong khi tình hình thiếu nước sạch mỗi ngày mỗi trầm trọng. Mãi đến năm 2002, Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng tiếp dự án bằng nguồn vốn trong nước...
…Đến thách thức về ô nhiễm nguồn nước thô
Quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện NMN Tân Hiệp thăng trầm là như vậy! Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, theo ông Võ Quang Triết, Giám đốc NMN Tân Hiệp, thì đơn vị phải liên tục đối đầu không ít khó khăn khách quan. Đó là tình trạng ô nhiễm hữu cơ nước sông Sài Gòn ngày càng trầm trọng làm cho một số chỉ tiêu của nước sông không đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại A1 (dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) như độ ph khá thấp (50-60), hàm lượng ammoniac (NH4) và vi khuẩn coliform vượt tiêu chuẩn nhiều lần. Do vậy, việc xử lý nước thô để nước sạch sản xuất ra khỏi nhà máy đạt chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế và Bộ Xây dựng là một nỗ lực không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhà máy.
Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, nhà máy đã triển khai thực hiện chương trình “Ổn định và nâng cao chất lượng nước sinh hoạt” và “Kế hoạch cấp nước an toàn” của tổng công ty với các mục tiêu sử dụng các hóa chất nâng cao hiệu quả keo tụ lắng trong nước, nghiên cứu các vật liệu lọc khử sắt và mangan, hiện đại hóa hệ thống thiết bị châm hóa chất khử ammoniac vi sinh, nâng cao độ pH để ổn định nước chống xâm thực, tăng cường giám sát chất lượng nước tại từng công trình xử lý, tăng cường kiểm soát hoạt động các thiết bị máy móc của dây chuyền sản xuất.
Không kể thời gian vận hành thử, trong 2 năm 2004, 2005 sản lượng nước bơm vào mạng từ 33.000m³/ngày đến 150.000m³/ngày. Đến tháng 6-2007, nhà máy bắt đầu phát 240.000m³/ngày. Từ tháng 10-2007 đến nay, nhà máy phát nước công suất tối đa là 300.000m³/ngày. Tính từ tháng 8-2004 đến hết tháng 8-2010, nhà máy đã khai thác hơn 535 triệu m³ nước sông để xử lý thành 510 triệu m³ nước sạch. |
Từ tháng 7-2009, sau thời gian thử nghiệm thành công, nhà máy đã đưa vào sử dụng hóa chất PAC (Poly Aluminium Chloride) thay cho phèn nhôm sunphat để tăng hiệu quả lắng, giảm bớt lượng vôi sử dụng để nâng độ pH, tiết kiệm được chi phí hóa chất hơn 2 tỷ đồng/năm. Song song đó, hệ thống kiểm tra chất lượng nước (độ đục, độ mặn, hàm lượng ammoniac NH4, hàm lượng Clor dư, độ pH, nhiệt độ nước) theo dõi 24/24 giờ từ nước sông, tại từng công trình của hệ thống xử lý nước, đến nước trong tuyến ống truyền dẫn từ nhà máy về mạng lưới đường ống cấp nước đã được lắp đặt bằng nguồn vốn của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Hà Lan.
Các dữ liệu chất lượng nước ghi nhận qua các thiết bị đo của hệ thống này sẽ được truyền về máy vi tính đặt tại nhà máy giúp cho việc điều chỉnh vận hành hệ thống xử lý nước kịp thời khi chất lượng nước sông có biến động. Một cố gắng khác không thể không nói đến là để điều chỉnh lưu lượng nước sạch cung cấp ra mạng lưới theo nhu cầu sử dụng thay đổi trong các thời điểm trong ngày nhằm ổn định áp lực nước trong đường ống, mới đây Nhà máy Nước Tân Hiệp đã lắp đặt và vận hành 2 máy biến tần điều khiển 2 máy bơm nước sạch chính. Theo tính toán ban đầu, việc sử dụng các biến tần không những ổn định áp lực cấp nước trong đường ống mà còn tiết kiệm được 5.000 KWh điện/ngày (tương đương giá trị 5 triệu đồng/ngày).
Những sáng kiến làm lợi tiền tỷ
Trong khi nguồn nước sông Đồng Nai không bị xâm nhập mặn thì tình hình nước sông Sài Gòn, đặc biệt trong những năm gần đây vào các tháng mùa khô độ mặn nước sông tăng cao và xâm nhập tới trạm bơm Hòa Phú - điểm Nhà máy Nước Tân Hiệp lấy nước thô xử lý. Cho nên nhằm đảm bảo chất lượng nước sản xuất ra khỏi nhà máy, vào các tháng 3,4,5 ngành cấp nước TP nhiều năm qua đã ký hợp đồng với Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng xả nước từ Hồ Dầu Tiếng để đẩy mặn. Song song đó, NMN Tân Hiệp còn làm việc với Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, từ một công trình nghiên cứu cấp quốc gia của viện, để dự báo tình hình độ mặn trên sông Sài Gòn và phối hợp với hồ Dầu Tiếng xả nước để đẩy mặn.
Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được lãnh đạo Nhà máy Nước Tân Hiệp quan tâm đúng mức. Công đoàn, đoàn thanh niên đơn vị được giao nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ các sáng kiến. Việc hỗ trợ (kinh phí, con người) được thực hiện ngay từ khi sáng kiến ấy chỉ mới ở giai đoạn ý tưởng. Những sáng kiến tốt được ban giám đốc triển khai vào thực tế.
Hơn 5 năm qua, nhiều sáng kiến của cán bộ, công nhân NMN Tân Hiệp, từ những sáng kiến nhỏ đến những sáng kiến lớn đã làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng, góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng suất lao động của nhà máy, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, mang tính đột phá, dám nghĩ, biết làm của đội ngũ cán bộ, công nhân nhà máy. Trong số đó, có thể kể đến sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Hồng Lộc (Ban kỹ thuật Nhà máy Nước Tân Hiệp) với giải pháp “Cánh bơm đúc bằng đồng gia công trong nước” thay thế cánh bơm bằng gang dẻo nhập từ nước ngoài đã giảm chi phí giá thành nhập ngoại 4,2 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Phú đúc kết: Những kinh nghiệm vận hành của Nhà máy Nước Tân Hiệp sẽ giúp nhiều cho công tác tiếp nhận các nhà máy nước mới xây dựng sau này.
Nhà máy Nước Tân Hiệp khởi công xây dựng năm 1992, do gặp nhiều khó khăn khách quan nên công trình bị đình trệ dài dài. Đến năm 2002, UBND TP giao dự án cho Công ty Cấp nước TPHCM (nay là Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn) tiếp tục đầu tư hoàn thiện. Tiếp nhận dự án với các công trình còn đang dở dang, với các vật tư thiết bị nhập về trước đó 10 năm, và với nhiều thách thức trong công tác giải phóng mặt bằng… nhưng toàn thể cán bộ công nhân viên của Ban Quản lý dự án Sài Gòn 1 đã cùng lao động, thi đua tăng ca, tăng giờ, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành các hạng mục của dự án. Ngày 23-7-2009, dòng nước từ Nhà máy Nước Tân Hiệp đã chính thức hòa vào mạng lưới nước sạch của TP. Sự hoạt động của nhà máy đã bổ sung một nguồn nước mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu nước sạch của hơn 3 triệu dân thuộc khu vực các quận 6,8,10,11,12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Bình Chánh. |
PHẠM - ĐÔNG - ANH