Tiểu học có nhu cầu tuyển dụng lớn
Thông tin từ Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, tính đến ngày 10-7 đã có 20 quận - huyện gửi thống kê chỉ tiêu và số lượng hồ sơ ứng viên dự tuyển viên chức về sở. Trong đó, bậc tiểu học dẫn đầu danh sách với 1.094 chỉ tiêu cần tuyển thêm cho năm học mới, kế đến là bậc THCS với 915 chỉ tiêu và thấp nhất là mầm non với 703 chỉ tiêu tuyển dụng.
Đại diện nhiều quận - huyện cho biết, nếu như năm học trước, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở bậc mầm non khá cao (do có nhiều trường, lớp mới xây dựng) thì năm học này đã tương đối ổn định.
Cô và bé tại Trường Mầm non Hoa Lan (quận Gò Vấp, TPHCM)
Trong khi đó, bậc tiểu học có nhu cầu tuyển dụng tăng kỷ lục do có nhiều trường, lớp mới đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ học của lứa “rồng vàng” (sinh năm 2012). Trong đó, 2 địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiểu học cao nhất là quận Bình Tân (216 giáo viên) và huyện Bình Chánh (172 giáo viên).
Đối với bậc THCS, nhu cầu tuyển dụng không đồng đều giữa các quận - huyện. Cụ thể, trong khi quận Bình Tân và huyện Bình Chánh thiếu cả trăm giáo viên thì nhiều địa phương khác không có nhu cầu tuyển giáo viên ở bậc học này (như quận 2), hoặc tuyển với số lượng rất hạn chế (huyện Cần Giờ, quận 5, Bình Thạnh).
Đối với bậc mầm non, năm học này, huyện Bình Chánh và quận Thủ Đức tiếp tục dẫn đầu danh sách nhu cầu tuyển dụng, chiếm hơn 24% tổng chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên mầm non của toàn TP.
Đối với bậc THPT, năm học này toàn TP cần tuyển thêm 363 giáo viên và 62 nhân viên phục vụ tại các đơn vị. Tính đến ngày 10-7, chỉ còn 3 vị trí chưa có đủ hồ sơ đăng ký gồm giáo viên công nghệ (9 hồ sơ đăng ký/30 chỉ tiêu), nhân viên thư viện (11 hồ sơ/13 chỉ tiêu) và nhân viên công nghệ thông tin (12 hồ sơ/22 chỉ tiêu).
Các vị trí tuyển dụng khác đều có tỷ lệ cạnh tranh khá cao, như giáo viên Toán (tỷ lệ chọi 1/10), giáo viên Vật lý (1/15), giáo viên Hóa học (1/16)… Một số vị trí kém thu hút hồ sơ ứng viên tham gia qua các mùa tuyển dụng trước như giáo viên thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, quốc phòng, thì năm nay đều có số lượng hồ sơ dự tuyển nhiều hơn chỉ tiêu đăng ký.
Lãnh đạo một phòng chuyên môn Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học này lượng hồ sơ đăng ký không còn đổ dồn về một số ngành “hot” như Tiếng Anh, Toán như các năm trước mà trải đều ở tất cả bộ môn, giúp công tác sàng lọc hồ sơ, thực hiện quy trình tuyển dụng đạt hiệu quả cao hơn.
Mở rộng điều kiện tuyển giáo viên
Điểm mới của tuyển dụng giáo viên trong năm học này là không yêu cầu ứng viên phải có hộ khẩu TPHCM. Đây được xem là “nút mở” giúp mở rộng thêm nguồn tuyển, đáp ứng nhu cầu về giáo viên mỗi năm một tăng cao của TP.
Giáo viên TPHCM trong một đợt nhận nhiệm sở
Thêm vào đó, trong năm học này, giáo viên muốn chuyển công tác giữa các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GD-ĐT chỉ cần đăng ký thông tin hồ sơ trên website của sở, đồng thời nộp hồ sơ xin chuyển công tác (gồm đơn đăng ký chuyển công tác có ý kiến đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; công văn của cơ quan, đơn vị có ý kiến đồng ý tiếp nhận; bản chính sơ yếu lý lịch có dán ảnh, đóng dấu giáp lai, có xác nhận của thủ trưởng đơn vị không quá thời hạn 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ phù hợp theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm; bản sao có chứng thực quyết định công nhận hết thời gian tập sự, thử việc hoặc quyết định bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức; bản sao quyết định lương hiện hưởng; bản sao hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (KT3); giấy chứng nhận sức khỏe có kết luận đủ sức khỏe công tác, do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp và phiếu đánh giá công chức, viên chức 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018) về Sở GD-ĐT TP để được xem xét, thẩm định và ra quyết định chuyển công tác. Quy định này được xem là một trong những giải pháp điều tiết một cách linh hoạt đội ngũ giáo viên đang công tác ở các quận, huyện.
Mặc dù đã có nhiều cải tiến trong công tác tổ chức tuyển dụng nhưng trước số lượng nhân sự cần bổ sung quá lớn, áp lực đặt ra cho các địa phương không hề nhỏ. Trong đó, ở một số địa bàn “nóng” về tốc độ gia tăng dân số như các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, việc tuyển dụng giáo viên gần như được tổ chức quanh năm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Phó trưởng phòng GD-ĐT một quận ở vùng ven bày tỏ: “Phân quyền tuyển dụng giúp các quận, huyện chủ động hơn trong việc quản lý nguồn tuyển, nhưng về lâu dài lại lâm vào cảnh thiếu cứ thiếu, thừa cứ thừa giáo viên như nhiều năm qua. Do đó, cần có thêm một số chính sách ưu đãi, tạo điều kiện đối với các khu vực đặc thù”.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự phối hợp tốt hơn giữa cơ quan quản lý giáo dục và UBND các quận, huyện, trong đó không nên “khoán” biên chế viên chức giáo dục mỗi nơi một kiểu theo cách làm hiện nay.