Hiện 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum có tỷ lệ rừng cao. Để bảo vệ và khôi phục rừng, các tỉnh đã tập trung trồng rừng, đầu tư hạ tầng. Đến xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum thời điểm này, chúng tôi bắt gặp người dân đang tập trung chăm sóc rừng thông ở những quả đồi trước xã. Những cây thông được trồng khoảng 3 tháng trước, nay phát triển mạnh, ngọn xanh mơn mởn.
Ông A Phen (thôn Kon Pia) cho biết, trước đây bà con trồng mì, tuy nhiên đất bạc màu, năng suất không cao. Cách đây 3 tháng, người dân liên kết trồng khoảng 1ha thông. Mục đích để phủ xanh đồi trọc, trồng dược liệu dưới tán rừng, hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Hiện người dân đang ra sức chăm sóc, chờ ngày hưởng lợi từ việc trồng rừng.
Theo ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, những năm qua, từ các nguồn lực khác nhau, xã đã vận động nhân dân trồng rừng. Từ đầu năm đến nay đã trồng được 35ha rừng tập trung và 50ha rừng phân tán. Thời gian sắp tới, xã sẽ tiếp tục rà soát những diện tích đảm bảo điều kiện để tiếp tục trồng rừng, nâng cao độ che phủ rừng.
Còn Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho rằng, trong định hướng phát triển của địa phương, trồng dược liệu và phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn dược liệu sẽ giữ vai trò chủ lực. Hai hướng phát triển này đều gắn liền với rừng, nghĩa là phải có rừng mới trồng được dược liệu và làm du lịch sinh thái.
Do đó, huyện xác định phải bảo vệ, nhân rộng rừng. Ngoài nguồn vốn trồng rừng, huyện còn kêu gọi xã hội hóa cây giống để cấp phát miễn phí cho dân. Các khu rừng cũng được huyện giao cho cộng đồng quản lý chặt chẽ. Người dân thấy được lợi ích của rừng trong việc phát triển sinh kế nên ra sức gìn giữ.
Vừa qua, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững có tổng vốn đầu tư 155 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai các hạng mục như: tiến hành trồng mới 670ha rừng; xác định ranh giới rừng với tổng chiều dài 2.992km; cắm 9.150 mốc bổ sung ranh giới rừng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp tại 4 đơn vị là Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Glei, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham.
Các đơn vị này sẽ được đầu tư sửa chữa nhà làm việc, đầu tư xây mới các trạm bảo vệ rừng, xây dựng chòi canh lửa, sửa chữa bể nước phòng cháy chữa cháy. Tỉnh đã giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư dự án, thực hiện trong 4 năm, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng.
Còn theo UBND tỉnh Gia Lai, năm 2024 dự kiến trồng 10.300ha rừng, nhưng đến giữa tháng 8 chỉ mới trồng được 2.550ha. Để đảm bảo kế hoạch trồng rừng, tỉnh đã yêu cầu các địa phương, chủ rừng khẩn trương bố trí quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện vận động cộng đồng dân cư tố giác các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; tham gia nhận rừng, thuê rừng; phấn đấu đến năm 2030 toàn bộ diện tích rừng đều có chủ...