Theo ông Đào Xuân Đức, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay để thu hút đầu tư và đón đầu dịch chuyển vốn đầu tư mới vào các KCN tại TPHCM là quỹ đất. Hiện Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận đã trải qua thời gian hoạt động là 32 năm, đến năm 2041, KCX này sẽ hết thời gian thuê đất. Theo sau đó là một số KCN khác cũng hết thời hạn thuê đất. Tuy nhiên, nếu TPHCM đợi đến thời điểm đó mới xem xét các KCN, KCX phát triển như thế nào trong giai đoạn 20-30 năm tới thì sẽ không kịp. Thời gian qua, TPHCM đã triển khai đề án Định hướng phát triển các KCN, KCX trên địa bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trong nỗ lực tìm lời giải cho bài toán quỹ đất hạn chế, TPHCM đã phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng tại một số đơn vị ở KCX Tân Thuận và Linh Trung để phục vụ cho những dự án phù hợp như công nghệ thông tin, công nghệ cao… TPHCM cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch đất cho KCN Phạm Văn Hai 1 và Phạm Văn Hai 2 với diện tích 668ha. Đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định bổ sung quy hoạch này cho TPHCM, nên việc tiến hành quy hoạch và đấu thầu để xây dựng cơ sở hạ tầng đang là cơ hội để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn…
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương khẳng định, Bộ KH-ĐT đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KCN, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Đến nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000ha. Các KCN được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.