Về phía mình, Triều Tiên kêu gọi HĐBA LHQ thảo luận về các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc và coi đây là một sự đe dọa.
Dựa trên các biện pháp ngoại giao
Cùng ngày, hãng tin Yonhap dẫn lời tân Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je cho biết, Seoul khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Triều Tiên phát triển các loại vũ khí hạt nhân; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc tham vấn chặt chẽ với Mỹ trong tiến trình này. Đại sứ Cho Yoon-je nêu rõ, hiện các bên vẫn đang trong tiến trình tìm kiếm các cách thức để giải quyết vấn đề trên do chưa bên nào có được ý tưởng về một giải pháp rõ ràng, trong khi mục đích cuối cùng các các biện pháp trừng phạt và sức ép hiện nay là đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, đồng thời nhấn mạnh sự tham vấn với phía Mỹ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này.
Mặc dù để ngỏ lựa chọn quân sự trong trường hợp Mỹ và các đồng minh bị tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis khẳng định, “tất cả mọi người đều mong muốn một giải pháp hòa bình” và “không ồ ạt lao vào chiến tranh”. Ông cũng loại trừ khả năng những phát biểu cứng rắn vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Triều Tiên sẽ dẫn tới một cuộc xung đột quân sự.
Trước đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+3 ở Philippines ngày 23-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cam kết tiếp sức cho nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên, dựa trên các biện pháp ngoại giao. Bộ trưởng quốc phòng 3 nước này cũng ghi nhận tầm quan trọng của các biện pháp chung đối phó với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng như chia sẻ thông tin và tập trận chung với sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược, đồng thời tái khẳng định các kế hoạch tiếp tục hoạt động cảnh báo ba bên về tên lửa đạn đạo và tập trận chống tàu ngầm.
Triều Tiên kêu gọi HĐBA LHQ thảo luận
Trước động thái Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức tập trận cảnh báo tên lửa Triều Tiên vào ngày 24-10, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song Nam đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) nhanh chóng thảo luận về các cuộc tập trận hải quân chung gần đây của Mỹ gần bán đảo Triều Tiên và cho rằng, các cuộc tập trận này là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu và chiến tranh hạt nhân nhằm vào đất nước Triều Tiên.
Trong lá thư gửi HĐBA LHQ ngày 25-10, Đại sứ Ja Song Nam cho biết, các cuộc tập trận hải quân này là “sự huy động chung những tài sản chiến lược hạt nhân” lớn nhất sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất về một cuộc chiến tranh trong lịch sử bằng tuyên bố đe dọa “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên. Đại sứ Ja Song Nam yêu cầu HĐBA LHQ xem các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ như “một vấn đề nghị sự khẩn cấp”, đồng thời nói rằng “những cuộc tập trận quân sự này đã tạo ra một mối đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.
Ngày 26-10, Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên tạo điều kiện thuận lợi để chủ các doanh nghiệp Hàn Quốc thăm cơ sở sản xuất của họ trong khu công nghiệp liên Triều Kaesong, nằm trên lãnh thổ Triều Tiên nhưng hiện nay đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, Triều Tiên không có dấu hiệu sẽ cấp phép cho chuyến thăm. Trong một diễn biến khác, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin Triều Tiên đã hoàn trả đầy đủ khoản nợ với Ba Lan từ năm 2012 sau khi quốc gia châu Âu này ký thỏa thuận xóa 61% nợ dành cho Bình Nhưỡng một năm trước đó.