Công ty TNHH nhãn mác và bao bì Maxim Việt Nam là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn trong KCN VSIP (vốn đầu tư 15 triệu USD, trụ sở tại TP Thuận An) đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từ đầu năm 2020 đến nay. Đại diện công ty cho biết, đối tác của công ty là những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng nhờ triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nên hoạt động sản xuất của nhà máy tại Việt Nam ảnh hưởng không đáng kể.
Doanh thu của công ty năm 2020 giảm khoảng 20% so với năm 2019 và dự kiến kết quả kinh doanh năm 2021 bằng năm 2020. Kết quả đã đạt được mục tiêu kép đối với công ty, vừa bảo đảm an toàn cho công nhân, vừa tránh được sự đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, duy trì được việc làm cho hơn 800 công nhân với thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Để có được kết quả này, công ty đã thực hiện chặt chẽ các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là thiết lập kênh khai báo y tế nội bộ, yêu cầu mọi nhân sự trong doanh nghiệp đều phải thực hiện để phát hiện dấu hiệu bệnh từ sớm, từ xa.
Ông Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sao Việt, cho biết, công ty có 4.300 công nhân, trước tình hình dịch bệnh phức tạp đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, xem đây là điều kiện quan trọng để tiếp tục hoạt động, hoàn thành các đơn hàng với đối tác. Vì vậy, đến nay các hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra song song với các biện pháp phòng chống dịch. Nhu cầu sản xuất tăng cao nên doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm 400 lao động, tăng lương cơ bản cho công nhân thêm 200.000 đồng/người/ tháng từ tháng 6 này, nâng mức thu nhập bình quân của người lao động lên khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Trong nỗ lực giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, ảnh đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, phải kể đến “điểm sáng” từ ngành gỗ tại Bình Dương. Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty gỗ Minh Phát (TP Thuận An), dịch bệnh Covid-19 chỉ ảnh hưởng trong vài tháng đầu năm 2020 và sau đó doanh nghiệp bắt đầu thích nghi, chuyển đổi phương thức giao dịch phù hợp. Không ít doanh nghiệp trong ngành tại các KCN ở Bình Dương hiện nay phải thuê thêm đất mở xưởng để kịp đáp ứng các đơn hàng chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc khi nước này đang phải chịu thuế suất 25% từ Mỹ. Dù giá vật tư, nguyên liệu tăng 5%-20%, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, nhưng nhu cầu sử dụng nội thất gỗ lại tăng, có thời điểm tăng tới 100%, giúp ngành gỗ cả nước đạt mức tăng trưởng ấn tượng lên gần 17%, giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 13,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gỗ của Bình Dương chiếm gần 48%, tăng hơn 1,3 tỷ USD so với năm 2019.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ngoài tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trong giai đoạn mới, giúp tạo giá trị gia tăng lớn hơn và chú trọng các ngành nghề thân thiện môi trường, ít thâm dụng đất đai, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đề ra chủ trương giao việc phòng chống dịch cho các địa phương để thực hiện tốt 4 tại chỗ (dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ), phối hợp với ngành y tế và Ban Quản lý các KCN tập huấn tình huống và dự phòng phương án xem xét trưng dụng các nhà máy, văn phòng để cách ly với khả năng tính đến 4.000 người cùng lúc. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng liên tục ban hành các văn bản siết chặt việc phòng chống dịch bệnh, liên tục nâng mức độ cảnh báo để kiểm soát chặt tình hình, ngăn chặn dịch bệnh thâm nhiễm vào các KCN.
Phần lớn các doanh nghiệp tại Bình Dương hiện có nhiều biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, sớm thích nghi với trạng thái bình thường mới, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc ngưng sản xuất do Covid-19. Cụ thể như Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam (sản xuất giường ghế sofa, khu công nghiệp Rạch Bắp) đã thông báo giải thể vào tháng 2-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các khó khăn của thị trường; Công ty TNHH đồ gỗ Hằng Thắng (KCN Nam Tân Uyên) cũng ngưng sản xuất, chủ doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn khi đang nợ tiền lương công nhân tháng 4-2021 khoảng 2,5 tỷ đồng, khiến gần 250 lao động mất việc làm và nợ khách hàng khoảng 30 tỷ đồng… |