Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Duy Quốc Việt (ảnh), Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), cho biết ngành điện đã và đang triển khai các giải pháp hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt.
PHÓNG VIÊN: Ông có thể phân tích rõ lợi ích và tiện ích của hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt cho cả ngành điện và khách hàng?
* Ông NGUYỄN DUY QUỐC VIỆT: Việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là một hình thức thanh toán an toàn và tiện lợi, phù hợp xu thế phát triển của xã hội. Trong nội dung thỏa thuận hợp tác với các đơn vị thu hộ tiền điện trên địa bàn TPHCM, chi phí thanh toán tiền điện là hoàn toàn miễn phí nên cũng giúp khách hàng yên tâm hơn. Đối với những khách hàng thường xuyên di chuyển, không thuận tiện khi giao dịch tại các điểm thu, khách hàng có thể chọn một số giải pháp trả tiền điện như sau:
Liên hệ ngân hàng để đăng ký dịch vụ trích nợ tự động tiền điện hàng tháng, khách hàng sẽ yên tâm vì được phía ngân hàng chủ động thanh toán đúng hạn và thông báo cho khách hàng sau khi thanh toán.
Tự thanh toán trực tuyến trên website https://cskh.evnhcmc.vn/, hoặc ứng dụng EVNHCMC CSKH, Zalo Page EVNHCMC, hoặc qua các dịch vụ trực tuyến của ngân hàng (Internet Banking, Mobile Banking…) và các đối tác thu hộ tiền điện (ví MoMo, ví Viettelpay, Zalopay, Airpay, Payoo, eDong, VTC, MPay…).
Để được cập nhật thông tin về tiền điện, cũng như các thông tin về điện khác, quý khách cần tải ứng dụng EVNHCMC CSKH để được ngành điện thành phố cung cấp kịp thời và miễn phí.
EVNHCMC đã triển khai các giải pháp nào nhằm thúc đẩy thanh toán tiền điện bằng hình thức không dùng tiền mặt trên địa bàn TPHCM, thưa ông?
* Trước năm 2003, việc thu tiền điện thực hiện thủ công qua 2 hình thức là thu tiền mặt tại nhà và trực tiếp tại quầy thu điện lực.
Đến năm 2003, EVNHCMC ký hợp đồng thu hộ tiền điện với 2 ngân hàng đầu tiên là Vietcombank và BIDV, với hình thức thanh toán tiền điện qua thẻ ATM; đây là một trong các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Nhận thấy được hiệu quả việc thanh toán này, nhằm tạo thêm tiện ích cho khách hàng, EVNHCMC đã thỏa thuận hợp tác với nhiều ngân hàng hơn để hỗ trợ dịch vụ thanh toán tiền điện. Tuy nhiên, tỷ lệ khách hàng giao dịch qua các hình thức trên tại thời điểm này vẫn chưa đáng kể.
Đến năm 2009, để tăng số lượng điểm thu tiền điện, giúp khách hàng sử dụng điện linh động thời gian thanh toán tiền điện, EVNHCMC đã mở rộng thu tiền qua các bưu cục thông qua Ngân hàng Việt Thái, nay là Ngân hàng Liên Việt.
Người dân đã bắt đầu thấy được lợi ích của các điểm thu tiền ngoài điện lực, nhờ đó số lượng giao dịch thanh toán tiền điện qua các điểm thu ngoài điện lực tại TPHCM vào thời điểm này bắt đầu tăng cao. Tỷ lệ khách hàng thanh toán qua hệ thống thu hộ của EVNHCMC đến cuối năm 2010 là 21,61%.
Đến năm 2011 các ngân hàng và các đơn vị thanh toán trung gian phối hợp với EVNHCMC bắt đầu tăng cường quảng bá, cung cấp chính sách khuyến mãi để mở rộng các hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt như SMS/Mobile/Internet Banking, ví điện tử và các hình thức điện tử khác. Tỷ lệ khách hàng thanh toán qua hệ thống thu hộ của EVNHCMC đến cuối năm 2017 là 90%, trong đó có 80,65% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt (tuy nhiên, EVNHCMC vẫn duy trì việc cử người đến thu tiền điện tại nhà khách hàng).
Đến ngày 1-1-2018, EVNHCMC đã không còn bố trí nhân viên đến thu tiền điện tại nhà khách hàng. Đến tháng 5-2019, EVNHCMC đã hợp tác với 22 ngân hàng và 11 đối tác để thu tiền điện khách hàng qua 2.279 máy ATM, 6.973 điểm thu là các phòng giao dịch ngân hàng chấp nhận thanh toán không tiền mặt, các siêu thị tiện ích, hoặc qua SMS/Mobile/Internet Banking... Tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 91,61%.
Triển khai nhiều chương trình khuyến mãi
Điều quan trọng nhất chính là thay đổi được nhận thức của khách hàng vì cách thức sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào ý thức, vậy EVNHCMC có những khó khăn gì trong quá trình triển khai và có những giải pháp hiệu quả nào?
* Việc thay đổi nhận thức khách hàng về thanh toán không dùng tiền mặt cần phải có một quá trình lâu dài, như đã nêu ở trên. Vấn đề chính là xác định được các vấn đề sau: 1/ Thói quen thanh toán tiền mặt được hình thành từ rất lâu nên việc thay đổi nhận thức này cần phải thực hiện đồng bộ và có lộ trình.
Do vậy, EVNHCMC mất nhiều thời gian để chuyển dần từ hình thức thu tiền mặt tại nhà sang thu tập trung tại các điểm thu di động gần khu vực khách hàng sinh sống, đến các điểm thu cố định, đến các hình thức điện tử.
Hiện nay, phần lớn khách hàng thanh toán qua ví điện tử. 2/ Việc thanh toán không dùng tiền mặt phải có tài khoản ngân hàng, đây cũng là một thách thức rất khó khăn vì người dân chưa sẵn sàng cho việc này. Bên cạnh đó, việc mở tài khoản cũng chưa thuận lợi, mặc dù một số ngân hàng đã tích cực cải thiện loại hình này. 3/ Rủi ro về tính bảo mật khiến khách hàng ngại hoặc thận trọng trong việc thanh toán điện tử. 4/ Chưa có sự đồng bộ trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử của từng ngân hàng và đối tác thanh toán trung gian (hạn chế việc liên kết thẻ ngân hàng với ví điện tử, hạn chế điểm nạp tiền cho ví điện tử...) nên nhiều dịch vụ thanh toán chưa tạo ra hiệu ứng tích cực cho việc thanh toán điện tử. 5/ Phí giao dịch.
Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển dần sang việc thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30-12-2016 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019.
EVNHCMC có những giải pháp nào để thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, đặc biệt là lớp người tiêu dùng trẻ - đối tượng khách hàng tiêu dùng chính trong tương lai gần?
Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành trào lưu chung của xã hội kể từ khi triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP; đồng thời chính quyền thành phố đã ban hành Công văn số 4944/VP-KT ngày 7-6-2019 về tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt và một số cơ quan truyền thông đã phát động “Ngày không dùng tiền mặt” (ngày 16-6-2019).
Trên cơ sở đó, EVNHCMC đã đề xuất đẩy mạnh việc vận động người dân thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với các hoạt động truyền thông mạnh mẽ và đồng loạt để tạo hiệu ứng về xu thế thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên hình thức trích nợ tự động từ tài khoản cá nhân.
Chúng ta đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, chính phủ số hóa, sự chuyển đổi số của các doanh nghiệp và đặc biệt các ngân hàng cũng số hóa, nên các dịch vụ ngân hàng nói chung cũng dựa trên nền tảng số hóa hiện đại. Các phương tiện thanh toán mới như ví điện tử, các công nghệ như thẻ phi tiếp xúc, công nghệ thanh toán “1 chạm” đang được các tổ chức tài chính triển khai mạnh mẽ.
Trong thời gian tới chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Để đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra, ngoài nỗ lực của EVNHCMC, các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán thì rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, đặc biệt là lớp người tiêu dùng trẻ. Bởi đây là nhóm khách hàng dễ dàng tiếp cận, thích ứng nhanh với sự thay đổi liên tục của công nghệ và là đối tượng khách hàng tiêu dùng chính trong tương lai gần của chúng tôi.
EVNHCMC luôn quan tâm mở rộng hợp tác với các đối tác để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, tổng công ty cũng phối hợp với các đối tác thu hộ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng. Đơn cử như từ tháng 3 đến tháng 5-2019 vừa qua, khách hàng thanh toán tiền điện qua trích nợ tự động tại Vietcombank đã được tham gia chương trình khuyến mãi lên đến 600 triệu đồng. Đây cũng là một trong những giải pháp để thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, đặc biệt là lớp người tiêu dùng trẻ. |