Theo đánh giá của UBND TPHCM, trong quý 1-2023, thành phố có 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng khá gồm: bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống. 4/9 ngành còn lại tăng trưởng âm là: vận tải kho bãi, thông tin và truyền thông, kinh doanh bất động sản, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhiều đơn vị giải ngân 0 đồng.
Nguồn: Cục Thống kê TPHCM. Đồ họa: NGỌC TRÂM |
Cần có giải pháp mạnh mẽ khắc phục khó khăn ngay từ quý 2-2023, là yêu cầu được lãnh đạo TPHCM đặt ra. Theo đó, TPHCM đã đề ra 12 giải pháp thực hiện trong quý 2-2023 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung giải quyết những nhóm việc trễ hạn, kiên quyết không để việc trễ hạn nhiệm vụ của quý 1, quý 2 chuyển qua quý 3; yêu cầu từng cơ quan đoàn thể, các sở ngành, địa phương và mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải quyết liệt hành động, tập trung rà soát lại với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất chức trách của mình.
Thành phố triển khai chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, đề xuất đầu tư Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức đối tác công tư (PPP); đẩy nhanh thực hiện các dự án: nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến metro số 1, cải tạo rạch Xuyên Tâm, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50... và các công trình đã khởi công khác.
Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN VĂN NÊN (phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM thứ 20, ngày 4-4): "TPHCM cần tăng chi tiêu công, đầu tư công; phải có kế hoạch, lộ trình thời gian cụ thể cho từng dự án. Đối với các dự án trọng điểm, các cấp ủy, người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến công tác giải ngân đầu tư công, giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ"
Cùng đó, thành phố sẽ triển khai các giải pháp làm minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; có phương án xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động du lịch; đẩy nhanh nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo; đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh, phúc lợi xã hội; tổ chức đón tiếp chu đáo và trọng thị các đoàn nguyên thủ và các đoàn khách quốc tế đến thành phố; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Thành phố tiếp tục nghiên cứu, khai thác lợi thế thị trường nội địa, nhất là thị trường hơn 10 triệu dân ngay tại TPHCM và những vùng kinh tế lân cận thành phố; đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng. Thành phố xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; thống kê hàng tháng những cơ quan, đơn vị nhận được yêu cầu phối hợp nhưng không thực hiện hoặc chậm phản hồi gây ảnh hưởng tiến độ chung; đánh giá thi đua cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị tổ chức công khai thông tin công chức, viên chức xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn; rà soát, sắp xếp tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở ngành, quận huyện; hoàn thành đề án về chính sách, giải pháp tạo động lực cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
NGÔ BÌNH
* TS PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực UBKT của Quốc hội: Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ “hóa giải” cho TPHCM
Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM sau 5 năm triển khai không có gì nổi trội. Do vậy, bổ sung nghị quyết một số cơ chế chính sách đặc thù vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội năm nay (thay thế Nghị quyết 54) hy vọng sẽ “hóa giải” những khó khăn cho TPHCM. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nghị quyết thay thế cũng cần một số gợi ý: Một là, đặt mục tiêu cho nghị quyết mới không chỉ giúp cho TPHCM khôi phục lại đà tăng trưởng, mà nên tạo cơ chế để làm động lực cho TPHCM tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn, tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như vị trí mà TPHCM đã xác định trong các nghị quyết về kinh tế vùng gần đây; hai là, ngoài những cơ chế về đầu tư tài chính, thu hút đầu tư, ngân sách, phân cấp, phân quyền…, theo tôi cần sự nhìn nhận đánh giá để làm sao cho nghị quyết này thực sự tháo gỡ cơ bản những điểm nghẽn của TPHCM.
Chính phủ, TPHCM, các bộ ngành phải nỗ lực hoàn thiện tốt nhất, nâng cao chất lượng khi trình Quốc hội thì mới đảm bảo được thông qua, rút ngắn được thời gian. Bởi chất lượng nghị quyết rất quan trọng!
* TS TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Nền kinh tế phải hấp thụ được vốn
Bắt đầu từ quý 4-2022, với các biện pháp chấn chỉnh, xử lý những bất cập trong thị trường tài chính và bất động sản TPHCM (2 thị trường có tỷ trọng lớn nhất cả nước), dù cần thiết để lành mạnh hóa 2 thị trường này, nhưng những tác động trước mắt là không thể tránh khỏi. Thời điểm đó, TPHCM đã nhận diện những khó khăn và đề ra những giải pháp lớn, đó là: Tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục để làm sao nền kinh tế hấp thụ được vốn tư nhân, vốn ngân sách, vốn đầu tư công; nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy hành chính bằng những công việc cụ thể, từ đó tạo niềm tin thị trường… Tuy nhiên, các giải pháp khi đi vào thực thi cho đến nay đã mang lại hiệu quả chưa rõ ràng.
Do vậy, những tháng còn lại của năm phải làm sao để nền kinh tế hấp thụ được vốn, đặc biệt là khu vực tư nhân. Nói nôm na, bao nhiêu dự án đang nghẽn thủ tục không triển khai được trên các lĩnh vực, phải khai thông để doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư tiếp. Bởi nếu nghẽn thì dù có bơm tín dụng, hỗ trợ từ Chính phủ cũng không giải quyết được vấn đề.
TRẦN HẢI ghi