Tehran khẳng định gia nhập BRICS là cơ hội làm giảm khủng hoảng kinh tế từ năm 2018 do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, bác bỏ sự thống trị của đồng USD và đây cũng là cơ hội mang lại tiềm năng kinh tế vô cùng lớn. Trang Iran International dẫn lời nhiều nhà phân tích cho rằng, gia nhập BRICS còn phục vụ chính sách đối nội của Iran nhằm trấn an những lo ngại trong dân. Thế nên, BRICS được quảng bá là một cơ chế thách thức Mỹ và kích thích thương mại.
Lĩnh vực đầu tiên được Tehran kỳ vọng có lợi khi gia nhập BRICS là năng lượng vì Iran là nhà sản xuất dầu khí lớn. Iran có thể sẽ tăng được khối lượng xuất khẩu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và giảm bớt các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhờ sử dụng nội tệ của mỗi nước trong việc mua bán năng lượng.
Trong lúc chờ nhóm BRICS tìm ra được đồng tiền chung, các nước thành viên, nhất là Nga (đã bị đưa ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT) và Iran (bị Mỹ trừng phạt), có thể thanh toán bằng nội tệ của mỗi nước trong trao đổi thương mại song phương. Theo trang Investing, Iran và Nga đã ký nhiều thỏa thuận tăng cường hợp tác thương mại và tài chính, trong đó có việc cung cấp một khoản tín dụng quan trọng và sử dụng nội tệ mỗi nước để trao đổi thương mại. Ví dụ, Ngân hàng Sberbank của Nga đã cung cấp một tín dụng trị giá hơn 73 triệu USD cho Bank Melli, một trong những ngân hàng chính của Iran. Biện pháp này tạo thuận lợi cho Iran nhập khẩu hàng hóa Nga. Về phía Iran, sau khi một số biện pháp trừng phạt được nới lỏng, Bank Sepah, một ngân hàng lớn của Iran, đã phát hành thư tín dụng trị giá hơn 18 tỷ USD tại Nga. Ngoài ra, quan chức ngân hàng 2 nước còn đề xuất cải thiện các giao dịch tài chính song phương trong thời gian Nga điều hành nhóm BRICS.
Do không được truy cập vào hệ thống SWIFT, Nga và Iran sử dụng 2 chương trình riêng là SPFS do Nga quản lý và ACU do Iran quản lý. Nhiều nước như Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Nepal, Maldives, Sri Lanka, Pakistan, Myanmar tham gia hệ thống SPFS của Nga. Nhật báo Pháp Les Echos nhận định, chính các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga cũng như sự khẳng định của nhóm BRICS càng làm gia tăng sự phản đối đối với đồng USD. Xu hướng dùng nội tệ mỗi nước ngày càng phát triển trong các thỏa thuận thương mại song phương, trong các hệ thống thanh toán liên ngân hàng và chi trả, theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn nghi ngờ về khả năng Iran giảm bớt được tác động của các biện pháp trừng phạt Mỹ nhờ gia nhập BRICS, trong bối cảnh hai nước chủ chốt là Nga và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong nước và bất đồng với phương Tây. Ngoài ra, căn cứ vào khối lượng trao đổi thương mại với Mỹ, một số nước thành viên BRICS có lẽ sẽ ngần ngại khi tính đến rủi ro về kinh tế nếu tăng cường quan hệ với Iran.