Theo thỏa thuận đạt được ngày 19-5, các kho lưu trữ khí đốt ngầm dưới lòng đất tại các quốc gia thành viên EU phải được lấp đầy ít nhất 80% công suất trước mùa đông năm 2022 và 2023, cũng như 90% trước giai đoạn 2024 và 2025. EU sẽ cùng nhau nỗ lực để đạt được việc lấp đầy 85% công suất của các kho khí đốt ngầm trong khối vào năm 2022. Nghĩa vụ nạp khí sẽ được giới hạn ở mức 35% lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của các quốc gia thành viên trong 5 năm qua để tránh tác động không cân đối đối với một số quốc gia thành viên có lượng tích trữ lớn...
Đây được xem là một bước đi quan trọng nhằm “đáp lại” nhận định của dư luận cho rằng châu Âu đang thất bại trước Tổng thống Nga Vladimir Putin, và EU đã tự đưa mình vào bẫy khí đốt nguy hiểm. Tờ Les Echos của Pháp đã từng lưu ý thực tế rằng bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt, người châu Âu tài trợ hàng ngày cho quân đội Nga khi mua khí đốt với “giá cắt cổ”.
Bài báo nhấn mạnh, nhà lãnh đạo Nga đã “thắng trong vòng đầu tiên của cuộc chiến năng lượng” vì ngay cả khi mua ít khí đốt hơn, giá tăng cao hơn đã bù đắp cho việc giảm nguồn cung của Moscow.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu cuộc đối đầu Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, vị thế của châu Âu sẽ được củng cố theo thời gian sau khi họ đoàn kết trữ khí đốt (theo thoả thuận trên), đẩy mạnh triển khai năng lượng tái tạo, hoặc hồi sinh điện hạt nhân, và bắt đầu sử dụng hydro làm nhiên liệu công nghiệp.
Bên cạnh đó, về trung và dài hạn, EU sẽ dồn lực đầu tư cho châu Phi trong nỗ lực tăng dòng chảy khí đốt đến châu Âu. Chuyển hướng sang châu Phi để đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của EU là nỗ lực hợp lý, do châu lục này có tài nguyên năng lượng dồi dào. EU hẳn nhiên sẽ không bỏ lỡ chiếc phao cứu sinh cung cấp năng lượng thay thế đầy tiềm năng này.