Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200.000 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho hơn 471.000 lao động. Các hoạt động từ thiện tại các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9.500 tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2020 là năm “thử lửa” đối với trí tuệ, bản lĩnh, ý chí của sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, quyết tâm của nhân dân và giới doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng, Việt Nam vẫn giữ được ổn định xã hội, tăng trưởng dương, khoảng 2,5% - 3%. Lần đầu tiên chúng ta xuất siêu 20 tỷ USD. Kết quả đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm THQG. Trong số này, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 12%. Điều đó nói lên vai trò của các thành phần kinh tế, đặc biệt là vai trò của kinh tế tư nhân. “Chính các bạn đã đóng góp vào uy tín quốc gia Việt Nam, cho tiêu dùng và xuất khẩu của Việt Nam”, Thủ tướng ghi nhận.
Theo đánh giá của Tổ chức Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá THQG), trong bảng xếp hạng 100 THQG giá trị nhất thế giới năm 2019, THQG Việt Nam được định giá 247 tỷ USD và xếp hạng thứ 42. Cùng với THQG, giá trị các thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có sự gia tăng mạnh mẽ. Năm 2019, theo xếp hạng của Forbes, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu của Việt Nam đạt gần 10 tỷ USD. Đánh giá cao với kết quả này, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta “làm thô còn nhiều, chế biến sâu còn ít”, quy mô còn nhỏ..., do đó cần phải có bước đi, cách làm hiệu quả hơn nữa, sản lượng lớn hơn, chất lượng tốt hơn, giá trị thu về cho đất nước nhiều hơn nữa. Các bộ ngành, địa phương phải góp phần vào xây dựng THQG, thương hiệu ngành, địa phương; phải tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, không được gây khó khăn, tiêu cực, tham nhũng, cản trở sự phát triển. Chính phủ sẽ tiếp tục có quyết sách mới, cơ chế thuận lợi tốt hơn nữa, kiểm tra, đôn đốc tốt hơn nữa để giải phóng sức sản xuất; tiếp tục quan tâm đến mọi loại hình doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên để có thể sớm gia nhập đội ngũ các doanh nghiệp THQG.
Tối cùng ngày, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020. Sau hơn 9 tháng phát động và xét chọn, có 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm được công nhận đạt “Thương hiệu quốc gia Việt Nam” năm 2020.