Khó khăn và thách thức vẫn còn phía trước, nhưng cách làm quyết liệt của tỉnh được sự đồng thuận của người dân, Hậu Giang là một trong những địa phương mở ra hy vọng sớm đưa cuộc sống của người dân từng bước trở lại bình thường.
Sớm kiểm soát toàn diện tình hình dịch bệnh
Thời điểm kết thúc đợt giãn cách thứ 2 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngay đêm 15-8, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã kịp thời chỉ đạo các địa phương và sở ngành trong tỉnh. Theo đó, tiếp tục thực hiện quy định “người dân tuyệt đối không ra đường kể từ 18 giờ đến 5 giờ hôm sau”, trừ trường hợp cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng chống dịch; phòng chống thiên tai; công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu…
Ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh: Đối với các địa bàn đã thiết lập “vùng xanh”, thực hiện rà soát, sàng lọc bằng test kháng nguyên 5% dân số các địa bàn không thuộc khu phong tỏa. Xã, phường, thị trấn khi thiết lập “vùng xanh” liên xã nếu không lập các chốt kiểm soát nơi giáp ranh (phải được sự thống nhất của Ban chỉ đạo tỉnh); tăng cường tổ tuần tra, kiểm soát người và phương tiện lưu thông. Người dân trong “vùng xanh” được đi lại, trao đổi kinh doanh, mua bán hàng hóa, mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, trừ các hộ mua bán, kinh doanh trên tuyến đường luồng xanh quốc gia và các hoạt động không thiết yếu…
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Để đảm bảo mục tiêu đến 25-8 phải kiểm soát toàn diện tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, UBND tỉnh cùng cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, đồng lòng chống dịch trong cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp tỉnh nhà…
“Mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình phải là một pháo đài chống dịch và mỗi người dân Hậu Giang là một chiến sĩ “chống giặc Covid-19”. Phải phát huy tinh thần này, lan tỏa ý thức trong người dân, biểu dương người tốt việc tốt, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.
Không ngừng thiết lập, mở rộng “vùng xanh”
Đến nay, Hậu Giang ghi nhận khoảng 350 ca mắc Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi hơn 150 ca. Đây là một nỗ lực không ngừng của Hậu Giang trong phòng chống dịch Covid-19. Nhiều khu vực kết thúc cách ly y tế, không ngừng thiết lập và mở rộng “vùng xanh”, nới rộng không gian, từng bước đưa nhịp sống người dân trở lại bình thường.
Ngay khi bị nhắc nhở tiến độ tiêm vaccine còn chậm, ngành y tế Hậu Giang đã kịp thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Theo đó, đến ngày 16-8, Hậu Giang đã tiêm vaccine đạt tỷ lệ 90,09% so với vaccine được Bộ Y tế phân bổ. Dự kiến đến 23-8, sẽ hoàn thành 100%. Đã nhập dữ liệu lên nền tảng tiêm chủng quốc gia đạt tỷ lệ 98,6% (đứng thứ 3/63 tỉnh, thành cả nước). Kết quả này là sự nỗ lực của ngành y tế, triển khai chặt chẽ việc tiêm vacicne đến đâu nhập dữ liệu lên nền tảng tiêm chủng quốc gia đến đó. Hậu Giang đã triển khai 18 điểm tiêm chủng, hoạt động tiêm chủng được triển khai theo kế hoạch, đảm bảo an toàn cho đối tượng được tiêm chủng. Sự vào cuộc rốt ráo của các cấp, các ngành Hậu Giang trong phòng chống Covid-19 là cách tuyên truyền hiệu quả để tạo được sự đồng thuận, an tâm của người dân trong tỉnh.
Ông Đồng Văn Thanh luôn có mặt kịp thời ở “điểm nóng vùng dịch” dù là ban đêm để đưa ra chỉ đạo kịp thời. Gần nhất là ông Nghiêm Xuân Thành đã đến thăm các chốt kiểm soát dịch Covid-19 đường thủy tuyến kinh Xáng - Xà No (giáp ranh tỉnh Kiên Giang) trong đêm. Việc thăm hỏi, động viên tinh thần chiến sĩ, lực lượng đang làm nhiệm vụ của lãnh đạo đã khích lệ kịp thời đội ngũ tuyến đầu vượt qua khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những thông tin tích cực liên tục được cập nhật, một cán bộ ở Hậu Giang đã vận động Tập đoàn Geleximco tài trợ 20 máy thở oxy phục vụ điều trị Covid-19 tại tỉnh. Trước đó, cán bộ tỉnh Hậu Giang đã vận động xã hội hóa: 1 máy xét nghiệm RT-PCR, 3 máy tách chiết và 2 tủ âm sâu phục vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại CDC Hậu Giang. Hậu Giang là tỉnh được chia tách, thành lập muộn ở ĐBSCL, hạ tầng cơ sở - nhất là ngành y tế còn nhiều thiếu thốn. Việc vận động, nhận được hỗ trợ các thiết bị y tế, nhất là cho phòng chống Covid-19 hiện nay rất có ý nghĩa. Qua đó, giúp ngành y tế Hậu Giang hoàn thiện cơ sở vật chất, góp phần gia tăng nguồn lực, nâng cao năng lực điều trị Covid-19 thời gian tới.
Việc phòng chống Covid-19 không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Song với những nỗ lực không ngừng của các cấp ngành và sự an tâm, đồng thuận của người dân, Hậu Giang đang mở ra hy vọng sớm đưa nhịp sống từng bước trở lại bình thường.