Vì là dự án phim cổ trang đầu tiên của Việt Nam đi sâu khai thác câu chuyện hậu cung, nơi những phi tần đấu đá, tranh giành sự ân sủng của vua, nên sự quan tâm dành cho Phượng Khấu là tất yếu. Tập 1 của Phượng Khấu lên sóng lúc 20 giờ ngày 5-3 trên nền tảng trực tuyến POPS, lập tức quá tải, theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh là vì quá nhiều lượt truy cập. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của khán giả đối với bộ phim.
Ở tập mở màn, những tính cách, số phận các nhân vật, những mưu đồ, thủ đoạn vẫn còn là ẩn số. Điểm sáng của bộ phim là phần phục trang cho tuyến chính được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội đủ sức nặng dù cho độ tuổi họ khá “cứng” so với nhân vật… Tuy nhiên, các lỗi về dựng kỹ xảo 3D, lồng tiếng cho nhân vật, phần thoại còn khá kịch và âm thanh cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý khán giả. Tựu trung, bộ phim được đánh giá là thuần Việt.
Phía sau màn ảnh, những thước phim hậu trường đã ghi lại quá trình sản xuất cho thấy nỗ lực của đoàn phim. Với sự xuất hiện của dàn diễn viên tên tuổi: NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, Hồng Đào, Tuyết Thu, Minh Trang…, ê kíp có nhiều lợi thế trong việc kêu gọi đơn vị đầu tư, tài trợ. Phim cũng được sự giúp sức của các chuyên gia lịch sử như GS sử học Lê Văn Lan, GS Nguyễn Khắc Thuần; được nhiều nhà sưu tầm cho mượn các cổ vật giá trị. Tuy nhiên, với việc các tài liệu lịch sử còn hạn chế, bối cảnh, đạo cụ có nhiều khó khăn nên quá trình sản xuất phụ thuộc không ít vào công nghệ 3D, khiến bộ phim chủ yếu quay cảnh cận, các đại cảnh và cảnh toàn lên phim chưa thật sự chân thực, hoành tráng như mong đợi.
Dòng phim cổ trang đã và luôn là thách thức với các nhà làm phim Việt. Hầu hết những khó khăn, ý kiến trái chiều mà dự án Phượng Khấu gặp phải cũng là điều các đoàn phim khác đã trải qua. Ngay cả những phim mang màu sắc cổ trang thời gian gần đây trên màn ảnh rộng như Thiên mệnh anh hùng, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Trạng Quỳnh… dù có thể thành công về mặt nghệ thuật hay doanh thu nhưng ê kíp làm phim cũng chịu không ít sức ép.
NSƯT Thành Lộc cho rằng, những bộ phim như Phượng Khấu có đề tài lịch sử, nhưng nó là phim truyện nên trước hết phải đảm bảo tính giải trí. Chưa kể, với những phim cung đấu, các tài liệu ghi chép quá hạn chế, làm thế nào để phân định đúng sai. Phải chăng, chính bởi việc phải đầu tư, sức ép quá lớn đã khiến các nhà làm phim càng e dè với thể loại này. Muốn có thêm nhiều bộ phim cổ trang, thiết nghĩ việc đánh giá cần phải khách quan và công tâm hơn. Ở chiều hướng ngược lại, sự tranh cãi của người xem đôi khi lại là động lực đối với nhà làm phim. Thôi thì trước mắt cứ chờ đợi xem Phượng Khấu sẽ làm được thêm những gì cho dòng phim cổ trang Việt!