Hiện mực nước tại các trạm thượng nguồn ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm 0,1 - 0,7m. Dự báo từ ngày 6 đến 10-2, độ mặn trên các sông Nam bộ có xu thế tăng dần. Trong tháng 2 và tháng 3-2020, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu hơn so với trung bình nhiều năm.
Nước mặn gây hại nặng
Từ đầu mùa khô đến nay, mặn xâm nhập sâu và sớm hơn mọi năm, gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Theo UBND tỉnh Cà Mau, đã có hơn 16.000ha lúa, tôm bị thiệt hại hoàn toàn, 4.500 hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng. Đây là địa phương bị ảnh hưởng sớm và nặng nề nhất vùng ĐBSCL trong đợt hạn mặn này.
Tại tỉnh Sóc Trăng, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn là 3.081,2ha (tăng 702,2ha so với trước Tết Nguyên đán). Trong đó, 2.165ha bị ảnh hưởng dưới 30%, 689,4ha bị ảnh hưởng từ 30% - 70% và 226,8ha bị ảnh hưởng trên 70%, tập trung tại các huyện Long Phú, Trần Đề, Kế Sách, Châu Thành và TP Sóc Trăng. Diện tích thiệt hại chủ yếu là do thiếu nước ngọt tưới.
Tại Bạc Liêu, Sở NN-PTNT dự kiến khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt khoảng 5.400ha, tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc tiểu vùng giữ ngọt. Tại Bến Tre, diện tích gieo cấy lúa đông xuân sớm bị thiệt hại khá lớn, người dân được khuyến cáo không nên chăm sóc diện tích lúa đã gieo trong vùng hạn mặn, vì chắc chắn sẽ bị thiệt hại.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xu thế xâm nhập mặn trong tuần từ ngày 11 đến 15-2-2020 rất cao. Do ảnh hưởng của triều cường, chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 90-95km, tương đương cùng kỳ năm 2016; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại xâm nhập mặn 50-53km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3-5km; sông Hàm Luông xâm nhập mặn 71km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 11km; sông Cổ Chiên xâm nhập mặn 65km, tương đương cùng kỳ năm 2016; sông Hậu xâm nhập mặn 61km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 2km; sông Cái Lớn xâm nhập mặn 60km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 2km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL mức cấp độ 2.
Nhiều giải pháp ứng phó
Trước tình hình trên, nhiều địa phương đã chủ động các giải pháp ứng phó. Tại Bến Tre, địa phương bố trí 46 điểm đo độ mặn, cung cấp tin nhắn về nước mặn đến hơn 1.000 cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở thông qua Zalo, SMS… Đặc biệt, Bến Tre hoàn thành xây dựng hồ chứa nước tại huyện Ba Tri, là nguồn nước cung cấp cho các nhà máy xử lý nước có khả năng phục vụ cho 200.000 hộ dân vùng ven biển. Tỉnh Bến Tre cũng đã đắp đập ngăn nước mặn trên sông Ba Lai với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Tại tỉnh Kiên Giang, ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai gia cố, đắp mới đập ngăn mặn theo thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa đông xuân và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ hè thu 2020. Tổng số đập thực hiện là 173 đập, trong đó có 2 đập bằng cừ thép, 171 đập đất với kinh phí 34,3 tỷ đồng. Tại Tiền Giang, đến thời điểm này, toàn bộ hệ thống cống đập ở khu vực phía Đông đã đóng kín để ngăn mặn. Nếu nước mặn 3‰ lấn sâu đến TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang sẽ đề xuất đắp ngăn kênh Nguyễn Tấn Thành để trữ nước, phục vụ cho 2 nhà máy xử lý nước của tỉnh.
Tại Trà Vinh, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền để người dân không xuống giống khi có khuyến cáo của chính quyền, chuyển đổi mùa vụ sản xuất và chuyển sang cây trồng khác. Thứ hai là tích trữ nước ngọt cho sinh hoạt, trường hợp cấp bách lắm thì cấp bồn chứa nước ngọt cho hộ nghèo, hộ chính sách. Tăng cường quan trắc nguồn nước, quản lý chặt chẽ, nếu độ mặn trên 1‰ sẽ đóng toàn bộ. Nếu độ mặn dưới 1‰ sẽ mở lấy nước phục vụ sản xuất. Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, các địa phương đã thực hiện kéo dài tuyến ống các công trình cấp nước tập trung cho người dân vùng sâu, vùng hẻo lánh; đắp đập giữ nước ngọt, thổi rửa các giếng khoan”. |