Năm 2011 “Bệnh lạ” xuất hiện tại xã Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi), một xã vùng cao cách Ba Tơ 22km, nơi có đến 98% dân tộc H rê sinh sống. "Bệnh lạ" với các triệu chứng: bàn tay, bàn chân xuất hiện các vết sừng thâm tím, mắt mờ, tai điếc…
Sau đó là các xã Ba Xa, Ba Vinh, Ba Ngạc, Ba Tô, Ba Nam và thôn Kà Ku (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà). Trong đó Ba Điền chiếm tỷ lệ cao nhất gồm 4 thôn nhưng có đến 3 thôn Làng Rêu, Hy Long, Gò Nghênh xuất hiện bệnh số lượng nhiều và tử vong. Riêng thôn Làng Tương có 4 trường hợp nhưng không có tử vong.
Không chỉ người trong thôn trong làng lo sợ, mà ngay cả những người dân dưới đồng bằng cũng rất lo lắng khi tiếp xúc với người đồng bào dân tộc H rê sống tại huyện Ba Tơ.
Một người dân ở huyện tâm sự: Bây giờ thì đỡ rồi chứ trước đây khi tôi đón xe đi học ở địa phương khác, nhà xe hỏi ở đâu, tôi nói huyện Ba Tơ, họ lập tực dập cửa không cho đi. Điều đó làm chúng tôi rất buồn vì tôi từng chứng kiến trong 1 gia đình có 5 hoặc 6 người thì chỉ có 1 hoặc 2 người bị bệnh này…
Tuy nhiên, các trường hợp chữa khỏi đa số để lại di chứng. Để được gặp người mắc bệnh đã chữa khỏi, chúng tôi vào tận thôn Làng Rêu, cách trung tâm huyện Ba Tơ hơn 60 km.
Bên chiếc nhà sàn đơn sơ, anh Phạm Văn Nga (45 tuổi) trú tại Làng Rêu chia sẻ: “Tôi và vợ tôi là Phạm Thị Tre (44 tuổi) đều mắc căn bệnh này nhưng đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng tôi giờ đều đã bị mờ mắt, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt. Bệnh thì đã khỏi nhưng trong lòng vẫn còn lo sợ nhiều lắm. Cũng may là các con tôi không bị bệnh…”
Vậy nên, có lúc người dân muốn bỏ làng ra đi và xã Ba Điền gần như bị cô lập trong những năm trước. Nỗi ám ảnh mà đến tận bây giờ người dân địa phương nhắc đến vẫn còn cảm giác bất an, còn người dân các vùng lân cận khác thì luôn dè dặt, né tránh khi tiếp xúc với những người dân nơi này.
Theo bà Phạm Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền, vì bệnh xuất hiện quá lâu, đến nay tuy chưa có tái phát nhưng người dân vẫn chưa an tâm. Có thể nói bệnh phát theo chu kỳ, nghĩa là qua mùa mưa dịch bệnh sẽ bùng phát nên người dân vẫn còn hoang mang lo lắng, thiếu lòng tin với các phương pháp điều trị bệnh đã làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương
Đặc biệt, xã Ba Điền nhưng đến nay, kết luận về nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa có. Cũng từ khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì đến nay bệnh tạm thời đã được khống chế. Dù vậy chúng ta vẫn không thể chủ quan.
Ngoài công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong phòng chống dịch bệnh, các ngành Y tế và chính quyền địa phương, các đoàn từ thiện về chia sẻ, động viên, thăm hỏi, khám chữa bệnh, cấp thuốc, bổ sung thuốc bổ, các loại thực phẩm dinh dưỡng cũng như phun hóa chất khử trùng... Tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, cấp gạo, kinh phí mua thuốc men, trang thiết bị chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho người dân… tạo niềm tin cho người dân an tâm hơn lao động, sản xuất.
Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân của tỉnh Quảng Ngãi, huyện ba Tơ, huyện Sơn Hà và các xã có trường hợp bệnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp gạo mới cho hơn 395 hộ gia đình mỗi người 15 ký/tháng. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5-7-2012 Bộ Tài chính có Quyết định số 1696/QĐ-BTC tiếp tục xuất 250 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân huyện Ba Tơ…để tránh tình trạng người dân ăn gạo mốc dễ sinh dịch bệnh.
Cũng theo bà Phượng, từ tháng 2-2018 đến nay bệnh này không xuất hiện. Tuy nhiên Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ luôn chủ động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, duy trì tổ chức khám bệnh, thường xuyên phun hóa chất xử lý môi trường…