Nỗ lực phát triển thể thao học đường


Mặc dù được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2017-2018, nhưng công tác phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học vẫn còn nhiều bất cập. 
Giờ học giáo dục thể chất của một trường THCS tại TPHCM
Giờ học giáo dục thể chất của một trường THCS tại TPHCM

Hàng loạt hạn chế như thiếu giáo viên, khó khăn về kinh phí, không có sân bãi tập luyện chưa thể khắc phục. Đó là nội dung được nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác thể thao học đường năm học 2017 - 2018 và định hướng nội dung trọng tâm giai đoạn 2018 - 2020, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TPHCM phối hợp tổ chức sáng 10-8.

Nhìn đâu cũng thấy thiếu

Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Minh Xương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Trung ương 2, cho biết một thực tế đáng buồn hiện nay là phong trào thể dục thể thao trong nhà trường mới chú trọng vào các hoạt động thi đấu lấy thành tích, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng luyện tập của học sinh. Các em không được chơi môn thể thao mình yêu thích, giáo viên chưa tạo được hưng phấn và hứng thú trong tập luyện đối với các em, kết thúc một giải đấu các em về nhà và ngưng chơi môn thể thao đó khiến chất lượng giáo dục thể chất còn nhiều bất cập. Hiện nay toàn TP mới có 30/184 trường tiểu học tham gia chương trình “Bóng đá học đường” có cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tập luyện của học sinh. Nhiều quận, huyện phải sử dụng đội ngũ giáo viên thể dục kiêm nhiệm khiến hiệu quả hoạt động chưa đi vào thực chất. 

Một tiết học thể dục của học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú)
 Đồng quan điểm, ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 4, thừa nhận quy mô trường lớp hiện nay khó đảm bảo điều kiện sân bãi tập luyện nên đa số các trường chỉ triển khai theo hình thức câu lạc bộ ngoại khóa, phối hợp với trung tâm thể dục - thể thao (TTTD-TT) quận, huyện tổ chức các hoạt động ngoài giờ cho học sinh. Riêng về đội ngũ giáo viên giảng dạy, đại diện Phòng GD-ĐT quận 4 bày tỏ: “Biên chế giáo viên hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy ở các đơn vị. Khắc phục tình trạng đó, các trường đã hợp đồng thỉnh giảng huấn luyện viên của các TTTD-TT để bổ sung tạm thời thiếu hụt nhân sự”.  

Ngoài hạn chế về sân bãi, theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc TTTD-TT quận 11, trang thiết bị tập luyện ở các trường học hiện nay phần nhiều đều lạc hậu, cũ kỹ. Trong các hoạt động khảo sát cơ sở vật chất đầu năm học, ngành giáo dục ngoài việc kiểm tra hiện trạng bàn ghế, phòng học cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng dụng cụ thể dục, thể thao.

Thêm vào đó, hoạt động thể dục, thể thao hiện nay mới được quan tâm hầu hết ở hai bậc tiểu học và THCS, trong khi đó đối với mầm non và THPT vẫn còn bỏ ngỏ khiến tính xuyên suốt không được đảm bảo. Kinh phí luyện tập và tổ chức thi đấu cho học sinh chưa được các sở, ngành quy định rõ ràng khiến chất lượng hoạt động mỗi nơi một kiểu. Chưa kể, theo một đại diện của TTTD-TT quận 4, phong trào thể dục thể thao trong trường học được triển khai khá rầm rộ, số lượng các giải thi đấu trong năm học khá nhiều nhưng có sự chồng chéo. Do đó, vị này kiến nghị Sở GD-ĐT và Sở VH-TT xem xét giảm bớt các giải đấu, tập trung hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng. 

Mỗi học sinh phải biết chơi 1 môn thể thao

Thừa nhận các yếu kém về cơ sở vật chất và trang thiết bị tập luyện, ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở VH-TT TP, đề cao sự phối hợp giữa trường học và các TTTD-TT quận, huyện. Theo đó, hoạt động thể dục thể thao muốn có hiệu quả thực chất thì học sinh phải được tập luyện thường xuyên, theo hình thức câu lạc bộ ngoại khóa. Kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình luyện tập phải được duy trì lâu dài để trở thành kỹ năng cho người học chứ không phải hoàn thành xong một khóa học thì không chơi môn thể thao đó nữa. Riêng đối với bậc mầm non, đại diện Sở VH-TT cho biết, trước đây có giai đoạn TPHCM làm rất tốt phong trào thể dục thể thao ở cấp học này nhưng thời gian gần đây đã lắng xuống. Thời gian tới, hai sở sẽ tăng cường phối hợp để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giáo dục thể chất ở bậc học này, đảm bảo tính xuyên suốt ở tất cả bậc học.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, nhấn mạnh, TPHCM đã xây dựng chỉ tiêu mỗi học sinh phải biết chơi ít nhất một môn thể thao trong trường học. Thành tích thi đấu thể dục thể thao của TP những năm vừa qua rất cao so với mặt bằng chung cả nước nhưng chất lượng tập luyện của học sinh không phải nơi nào cũng làm tốt.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh vai trò tổ chức của các trường cũng như sự phối hợp tốt từ phụ huynh. Riêng về đầu tư cơ sở vật chất, hiện nay không quy định trường học phải xây dựng hồ bơi, tuy nhiên, trong các dự án xây dựng trường học gần đây của TPHCM, lãnh đạo TP luôn quan tâm và chỉ đạo các địa phương thực hiện xây hồ bơi cho học sinh. Vấn đề còn lại là địa phương quản lý thế nào để khai thác công năng hồ bơi hiệu quả, đảm bảo không lãng phí vốn đầu tư và duy trì kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

Ngoài ra, Liên đoàn Bóng đá TPHCM cũng đề xuất ý kiến tăng cường tổ chức vận động tài trợ, quảng cáo để có kinh phí cho các hoạt động đào tạo, tổ chức thi đấu và hỗ trợ trang thiết bị dụng cụ cho trường học, đồng thời thực hiện tốt hơn nữa công tác truyền thông để tạo sự ủng hộ và huy động mọi nguồn lực xã hội đóng góp vào việc thực hiện chương trình thể thao học đường.

Tin cùng chuyên mục