Thông báo của CS cho biết khoản vay 50 tỷ franc Thụy Sĩ (54 tỷ USD) từ SNB đã giúp đảo ngược một số tổn thất nặng nề trên thị trường cổ phiếu và khôi phục niềm tin vào các thị trường tài chính rộng lớn hơn. Trước đó, cổ phiếu của CS mất hơn 1/4 trị giá trong bối cảnh thị trường liên tục lo lắng sau sự sụp đổ của SVB - vụ phá sản ngân hàng lớn nhất ở Mỹ từ năm 2008. Nhờ khoản vay SNB, cổ phiếu của CS đã tăng 21% trong phiên giao dịch trước khi mở cửa vào đầu giờ ngày 16-3, kéo theo các chỉ số chứng khoán ở châu Âu hồi phục. CS là ngân hàng lớn đầu tiên trên toàn cầu được cứu trợ khẩn cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong khi đó, tại châu Á, chứng khoán chìm trong sắc đỏ khi các nhà đầu tư đổ xô vào vàng, trái phiếu và USD. Giám đốc Điều hành CS Ulrich Koerner trước đó đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư về tính thanh khoản mạnh mẽ của CS. Các chủ ngân hàng CS chi nhánh ở châu Á cũng đã liên hệ, trấn an khách hàng. Những lo ngại về CS và việc nhà đầu tư ồ ạt rút vốn đã làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa lớn hơn đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Trong ngày 16-3, các nhà hoạch định chính sách ở Australia và Hàn Quốc đã tìm cách trấn an thị trường rằng các ngân hàng trong khu vực pháp lý của họ có vốn hóa tốt.
Các nhà phân tích cho rằng với những diễn biến mới này, rất có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải tạm dừng, thậm chí đảo ngược kế hoạch tăng lãi suất. Mặc dù vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tăng lãi suất 0,5% (lên 3%) tại cuộc họp ngày 16-3 bất chấp lo ngại về “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng châu Âu.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang tập trung vào những gì sẽ xảy ra tiếp theo tại CS. Nếu SVB tạo ra hiệu ứng gợn sóng trên thị trường thì trường hợp CS sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, giống như khoảnh khắc Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.