Mong là “người thành phố”
Từ khi cháu nội ông Phạm Văn An (68 tuổi) mới vào lớp 1, ông đã nghe tin “Bình Chánh sẽ lên thị xã”. Nhưng nay, cháu ông chuẩn bị lên lớp 9, Bình Chánh vẫn cứ là một huyện. Thời điểm mà ông An nghe tin cách đây 8 năm, khi Bình Chánh xây dựng đề án nâng chất huyện Bình Chánh thành thị xã.
Mới đây, lại nghe “Bình Chánh sẽ lên quận”, ông An cũng khấp khởi mừng. Ông mong một sự thay đổi, bởi đường sá, trường học, bệnh viện đã đầy đủ, khang trang hơn trước nhiều. Vậy nhưng, mảnh ruộng trước nhà ông bà để lại, từ lâu đã không trồng lúa được nữa, mà ông xin chuyển mục đích sang đất ở không được. Lý do, vùng này được quy hoạch là đất nông nghiệp. Nếu lên quận, ông An tin là đời sống sẽ tốt lên, như “người thành phố”.
Cũng như ông An, nhiều người dân gắn bó lâu đời ở những vùng ven ngoại thành TPHCM đều mong muốn đời sống ngày một tốt hơn, có đường rộng hơn, khang trang hơn, trường học, bệnh viện đầy đủ. Đồng thời, họ có thể kiếm sống bằng buôn bán kinh doanh, làm dịch vụ với thu nhập cao, ổn định chứ không còn phải chân lấm tay bùn như trước.
Cụ thể, huyện Nhà Bè đặt mục tiêu khai thác mọi nguồn lực xây dựng để Nhà Bè trở thành quận có cơ cấu kinh tế thương mại - dịch vụ - công nghiệp là chủ yếu. Huyện Bình Chánh đặt mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị bền vững, hiện đại, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với định hướng chuyển huyện thành quận giai đoạn 2021-2030.
Trong khi đó, Hóc Môn đề ra nhiệm vụ đầu tư xây dựng huyện Hóc Môn đạt hệ thống các tiêu chí để trở thành quận trong 10 năm tới. Các địa phương này đều xem việc xây dựng huyện thành quận là thời cơ để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện.
Giải được nhiều bài toán
Các tiêu chuẩn đô thị được quy định tại hai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm Nghị quyết 1210/2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Hiện các quận huyện đang rà soát lại các chỉ tiêu đánh giá, chấm điểm, xây dựng đề án phát triển thành quận để báo cáo UBND TPHCM. Theo đó đơn vị được công nhận loại đô thị khi các tiêu chí đạt mức tối thiểu và tổng số điểm đạt từ 75 trở lên. Đến nay, cơ bản 3 huyện đã đạt tổng điểm cao, tuy nhiên vẫn còn những tiêu chí đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.
Cụ thể, huyện Nhà Bè xác định còn 10/30 tiêu chí chưa đạt, trong đó có những chỉ tiêu về đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng, cơ sở y tế, công trình thể dục thể thao, thương mại dịch vụ cấp đô thị, mật độ đường giao thông… Huyện Bình Chánh cũng sớm có đề án nâng chất huyện Bình Chánh thành quận hoặc thị xã, nhưng 2 tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập chưa đạt được
. Hiện Bình Chánh đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có áp lực về gia tăng dân số, quy hoạch đất ở chưa phù hợp. Việc nâng chất lên quận được kỳ vọng sẽ giải bài toán về bộ máy nhân sự và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo hướng tăng diện tích đất ở, giảm diện tích đất nông nghiệp theo tỷ lệ phù hợp.
Trong khi đó, tại Hóc Môn, huyện tự đánh giá đã đạt 30/30 tiêu chí và tự chấm 87,75 điểm. Riêng đối chiếu các tiêu chí để chuyển đổi từ xã lên phường, đến nay 3 xã Bà Điểm, Thới Tam Thôn và Xuân Thới Thượng đã đạt đủ 17/17 tiêu chí; 8 xã, thị trấn đã đạt được 16/17 tiêu chí và 1 xã đạt 15/17 tiêu chí. Trên cơ sở đó, huyện Hóc Môn đang trình UBND TPHCM để có hướng dẫn hoàn thiện các chỉ tiêu còn thiếu.
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng Lê Đình Thịnh, thời gian qua, xã đã đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng và đang hoàn thiện các mảng xanh khu vực công cộng để đảm bảo các tiêu chí chuyển đổi lên phường.
Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết thêm, trong 2 năm gần đây, huyện đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm để chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chống ngập. Nhờ đó, diện mạo địa phương thay đổi rõ rệt, ngày càng khang trang hơn. Huyện cũng đang khởi công 158 công trình phát triển hạ tầng; bổ sung điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Quá trình chuyển mình từ nông thôn sang đô thị trên các huyện phát sinh một số vấn đề mâu thuẫn. Trước hết là cơ chế quản lý nông thôn áp dụng trên thực tiễn là thành thị. UBND xã, huyện phải quản lý địa bàn mang tính chất đô thị, rất thiếu người. Tiếp đó là mâu thuẫn giữa yêu cầu quản lý đất nông nghiệp theo quy hoạch chung với nhu cầu phát triển đô thị (xây dựng trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, nhu cầu nhà ở…). Do đó, phát triển lên quận là kết quả tất yếu của quá trình đô thị hóa, để các địa bàn không phát sinh tình trạng “điểm nóng” về trật tự xây dựng, phạm pháp hình sự, kỷ luật cán bộ. Song, lên quận là mục tiêu dài hơi, đòi hỏi có lộ trình bài bản chứ không thể ngày một ngày hai. |
* Đồng chí HOÀNG TÙNG, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè: Mong muốn cuộc sống của người dân tốt hơn Huyện đặt mục tiêu lên quận, không gì khác ngoài mong muốn đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Quá trình phấn đấu để đạt những tiêu chuẩn đô thị này sẽ tạo nhiều thành quả mà người dân được thụ hưởng. Chẳng hạn, làm thêm được cây cầu, xây dựng thêm được một trường học đạt chuẩn... Đồng chí HOÀNG TÙNG, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Chương trình phát triển đô thị huyện Nhà Bè giai đoạn 2020-2025 đã xác định mục tiêu khai thác tiềm năng và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị các điều kiện cơ bản để Nhà Bè trở thành quận vào năm 2025. Trong đó có những định hướng phát triển kết nối giao thông, nhà ở, phát triển thủy lợi kết hợp du lịch, phát triển mảng xanh, bến bãi… Rất nhiều công việc cần làm, trong đó rất cần đến sự ủng hộ, đồng lòng của người dân để mục tiêu đưa Nhà Bè trở thành quận sớm được thực hiện. * Đồng chí TRẦN VĂN KHUYÊN, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn: Một nửa huyện đã sẵn sàng lên quận So với các tiêu chí, đến nay 1/2 huyện Hóc Môn đã đủ các điều kiện, sẵn sàng lên quận. Dù vậy, cơ sở hạ tầng của huyện vẫn chưa đủ để trở thành đô thị. Những con đường, hẻm đã bê tông hóa cần được mở rộng đạt chuẩn. Đặc thù đường giao thông của huyện cũng rất ngoằn ngoèo, cần quy hoạch lại, mà việc này đòi hỏi sự phối hợp với các sở, ngành. Đồng chí TRẦN VĂN KHUYÊN, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Hiện nay, làn sóng đô thị đã lan đến các huyện. Một số huyện đã đủ điều kiện để chuyển đổi thành quận. Song song với việc nâng chất từ huyện thành quận, các huyện vẫn thực hiện chương trình nông thôn mới. Tôi cho rằng cần đánh giá lại, để các chuẩn nông thôn mới đáp ứng được tiêu chuẩn đô thị của một quận. Ngoài ra, việc quy hoạch phân khu cần được làm chỉn chu ngay từ đầu, có sự kết nối trong tổng thể chung với thành phố. Có thể dành quỹ đất làm khu dịch vụ, thương mại mang tính khu vực để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. |