Nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn lao động

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng nguồn lao động.
 UBND tỉnh Sóc Trăng và các đơn vị ký kết bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực
UBND tỉnh Sóc Trăng và các đơn vị ký kết bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hội thảo về chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”. Tham dự hội thảo có ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng; ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; lãnh đạo các viện, trường, sở LĐTB-XH của các tỉnh, thành ĐBSCL; các đơn vị đào tạo trong và ngoài nước…

Theo báo cáo, dân số tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 1,2 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động khoảng 770.000 người (lao động khu vực thành thị chiếm 23,81%, khu vực nông thôn chiếm 76,19%); số lao động trong độ tuổi có việc làm khoảng 620.000 người. Tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi tăng từ 78,95% vào năm 2016 lên 83,25% vào năm 2022.

Tại hội thảo, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ và Công ty TNHH Esuhai trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong nước và xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh ngày càng nâng lên: năm 2016 là 53,75%; năm 2022 tăng lên 62,31%. Đặc biệt, người lao động có việc làm sau đào tạo nghề chiếm 89,16%. Cơ cấu lao động, ngành nghề, việc làm của tỉnh Sóc Trăng có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động nông - lâm - thủy sản.

Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho lao động và việc làm của tỉnh, như: công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm sau đào tạo; việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ lao động của tỉnh xuất cư làm việc ngoài tỉnh còn khá cao (chiếm hơn 22% lao động trong độ tuổi, tương đương hơn 160.000 lao động)…

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Dự kiến đến năm 2025, Sóc Trăng cần khoảng 60.000 lao động, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, năng lượng tái tạo, cảng biển, du lịch… Quy hoạch đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ có 10 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp, cùng với nhiều dự án trọng điểm như cảng biển nước sâu Trần Đề, đường cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi… Từ đó đặt ra yêu cầu phải có nguồn lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu thông tin, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV đã xác định 3 đột phá, trong đó có việc “đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một chiến lược trọng tâm. Vì vậy, hội thảo lần này mang ý nghĩa thiết thực nhằm ghi nhận các sáng kiến, đề xuất giải pháp mang tính đột phá, tiến tới nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh.

Chia sẻ tại hội thảo, GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Trường Đại học Cần Thơ đang xây dựng và phát triển theo mô hình Đại học Cần Thơ, đồng thời sẽ hình thành 2 phân hiệu tại Hậu Giang và Sóc Trăng. Trong đó, Phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ tại Sóc Trăng dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh vào năm 2024, với chỉ tiêu tuyển sinh ban đầu 400 sinh viên, tập trung vào các ngành nghề: nông nghiệp, thủy sản, logistics, quản lý nông thôn… Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ thành lập Trung tâm Thủy sản Công nghệ cao tại huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng). Bước đầu sẽ giải quyết vấn đề nhân lực của tỉnh, sau đó sẽ mở rộng ra các địa phương Bạc Liêu, Cà Mau… nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người học và đạt hiệu quả chất lượng đào tạo.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn lao động của địa phương thời gian qua, đồng thời cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc tổ chức hội thảo là một sáng kiến hay, rất thiết thực. Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng đề nghị Sóc Trăng sớm rà soát, chủ động ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn tỉnh về việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội. Tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, hướng tới sự liên kết tỉnh, liên kết vùng; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên phục vụ các ngành mũi nhọn, có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển...

Tin cùng chuyên mục