Sau hàng loạt tranh cãi gay gắt về tranh thật, tranh giả khiến cho người chơi tranh trong nước hoang mang thì việc ra đời của Trung tâm Giám định và triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh (gọi tắt là trung tâm, thuộc Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VH-TT-DL), từ tháng 10-2018 được cho là tín hiệu tích cực. Với việc đưa ra quy chế hoạt động giám định đề cao trách nhiệm uy tín cá nhân, trung tâm sẽ góp phần đưa hoạt động của thị trường mỹ thuật theo hướng minh bạch.
Từ tháng 10-2018, trung tâm chính thức đi vào hoạt động với chức năng giám định việc sao chép tác phẩm, xác định bản quyền tác giả, tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh. Các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu giám định tác phẩm để công bố, phổ biến, triển lãm, kinh doanh, đấu giá tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đều có thể tìm đến trung tâm như địa chỉ tin cậy. Nguyên tắc giám định được nêu rõ: Tuân thủ pháp luật, trung thực, khách quan, chính xác, hoạt động giám định là dịch vụ công theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Kết quả giám định là kết luận về chuyên môn, về tác giả trong phạm vi nội dung được yêu cầu giám định.
Chia sẻ về việc trước đây từng có một trung tâm có chức năng giám định như vậy thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhưng luôn trong tình trạng vắng khách, ông Ngô Quang Dương, giám đốc trung tâm cho biết: “Nhu cầu giám định trong giới là có thật. Tuy nhiên có thực tế là người sở hữu tranh thật không cần đánh giá, còn người có tranh giả không dại gì đem đến giám định tranh giả. Tuy nhiên, tôi nghĩ trung tâm chính là yếu tố cần, đảm bảo cho thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển”. Nhiều họa sĩ có nghề từng cho rằng, dung túng cho tranh nhái, tranh giả đồng nghĩa với việc “bóp chết” những người làm mỹ thuật chân chính. Thị trường tranh giả Việt Nam thực sự như là không gian vô hình nhấn chìm cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ. Vì thế, cứu cánh duy nhất lúc này là minh bạch được hoạt động mỹ thuật.
Về kỹ năng giám định, hầu hết các thành viên hội đồng dựa vào kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đang theo dõi, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, cho biết, với những tác phẩm có độ phức tạp, cần tới sự hỗ trợ của máy móc, cục đã làm việc với Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Trong trường hợp có yêu cầu thẩm định phức tạp với chất liệu sơn, vải toan, hay xác minh năm tuổi của gỗ… cần dùng tới máy móc chuyên dụng thì sẽ ký hợp đồng với cơ quan chuyên môn để thực hiện.
Theo quy chế mới, để thực hiện quá trình giám định tác phẩm, với hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia mỹ thuật, nhiếp ảnh, tiêu chí đặt ra là có kinh nghiệm hoạt động mỹ thuật - nhiếp ảnh từ 10 năm trở lên; có uy tín, có khả năng giám định tác phẩm nghệ thuật. Giúp việc cho trung tâm chính là 3 hội đồng thẩm định, trong đó họa sĩ Lương Xuân Đoàn đứng đầu Hội đồng giám định tác phẩm hội họa, đồ họa; PGS Vương Học Báo đứng đầu Hội đồng điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt; nghệ sĩ Vũ Quốc Khánh đứng đầu Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh. Mỗi hội đồng có số thành viên lẻ 5-11 người.
Các trường hợp muốn giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cũng cần tuân thủ theo quy chế. Theo đó, hồ sơ cần văn bản đề nghị, tác phẩm yêu cầu, các tài liệu liên quan chứng minh về tác phẩm, tác giả yêu cầu giám định. Sau 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, trung tâm đồng ý hoặc không đồng ý bằng văn bản việc thụ lý hồ sơ giám định.
Để hoàn thiện bộ máy, cơ chế hoạt động, trung tâm cũng đang trong quá trình nghiên cứu, bàn bạc và xin ý kiến chuyên gia, Bộ VH-TT-DL để đưa ra biểu phí. Biểu phí khác nhau, tùy thuộc mức độ của tác phẩm khi đem đến đặt vấn đề, một tác phẩm khác với một lô tác phẩm cũng như mức độ khó, dễ khác nhau và mang nặng tính phục vụ cho hoạt động của ngành, không phải phí dịch vụ đơn thuần.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, điều quan trọng nhất của các thành viên hội đồng là phẩm cách của nhà giám định với cách làm việc khách quan, công bằng và công tâm. Bởi trước sức ép dư luận, của nhà sưu tập tranh, của gia đình các cố họa sĩ, chỉ cần hơi nghiêng về bên nào cũng đều ảnh hưởng tới chất lượng giám định. “Nếu ở hội đồng giải thưởng cần 2/3 hội đồng nghệ thuật đồng ý là được công nhận kết quả, thì hội đồng này phải 100% ý kiến đồng ý mới được coi là ý kiến chính thức của hội đồng. Chỉ cần một người không dám chịu trách nhiệm là chưa thể kết luận”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói. |