Nỗ lực loại trừ bệnh lao

TPHCM là địa phương có số người mắc bệnh lao cao nhất cả nước, hàng năm phát hiện và điều trị khoảng 15.000 bệnh nhân lao. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện mới người mắc bệnh lao rất thấp, chỉ đạt 60% tổng số trường hợp mắc lao trong cộng đồng. 

Đây chính là nguyên nhân làm cho dịch lao kéo dài. Để tạo sự chuyển biến trong phát hiện và điều trị bệnh lao, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Hội Y tế công cộng TPHCM đã triển khai Chương trình Chăm sóc đúng từ năm 2014 đến nay và mang lại những hiệu quả tích cực.

Nỗ lực loại trừ bệnh lao ảnh 1 Cộng tác viên đến tận nhà tư vấn cho người có nguy cơ mắc lao 
về các biện pháp điều trị
“Truy tìm” người mắc lao trong cộng đồng

Cuối năm 2018, anh Nguyễn Hữu Nhựt Trường (39 tuổi, ngụ phường 8, quận Gò Vấp) bỗng dưng thường xuyên bị sốt, ho, cổ họng có nhiều đàm. Chia sẻ với tư vấn viên Chương trình Chăm sóc đúng là bà Vũ Thị Huệ, anh được đưa đến trạm y tế phường thực hiện xét nghiệm lao và bắt đầu điều trị.

“Từ khi phát hiện bệnh, cứ 2 tuần tôi phải đi lãnh thuốc một lần, ngày nào cũng phải uống thuốc, nhiều khi nản lắm muốn bỏ ngang. Nhưng nhờ cô Huệ động viên mỗi ngày, tôi lại có động lực để điều trị”, anh Trường chia sẻ.

Không chỉ anh Trường mà những người thường xuyên tiếp xúc với anh như bố mẹ, vợ, con cũng được hướng dẫn kiểm tra dự phòng mắc bệnh lao. Nhờ vậy, sau hơn 6 tháng kiên trì, đến tháng 6-2019 anh Trường hoàn toàn khỏi bệnh.

Đây chỉ là một trong hàng trăm người được phát hiện bệnh lao và hỗ trợ điều trị nhờ Chương trình Chăm sóc đúng tại quận Gò Vấp. Bà Vũ Thị Huệ, tư vấn viên Chương trình Chăm sóc đúng tại quận Gò Vấp cho biết, nhiệm vụ của tư vấn viên là bám sát địa bàn, tìm và phát hiện những người nghi mắc lao, giới thiệu họ đến với cơ sở y tế để được xét nghiệm, điều trị; đồng thời theo dõi sát quá trình điều trị của người bệnh, không để họ bỏ điều trị giữa chừng. Ngoài ra, đội ngũ tư vấn viên còn kiêm thêm chức năng truyền thông cho người dân cách thức phòng ngừa mắc bệnh lao. 

“Nhiều người dân ban đầu ác cảm với bọn mình lắm, nhưng thấy bọn mình hỗ trợ hết mình, tư vấn tận tình nên dần dần họ quý mến, coi như người nhà, có vấn đề khúc mắc nào họ cũng chia sẻ với bọn mình”, bà Huệ trải lòng.  

TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho biết, quận Gò Vấp là một trong những địa phương có tình hình bệnh lao phức tạp nhất TP với số người mắc lao trong cộng đồng cao, đặc biệt là sự biến động liên tục của người nhập cư nên việc bỏ sót, mất dấu người bệnh liên tục xảy ra.

Từ tháng 4-2014, quận Gò Vấp là địa phương đầu tiên được Hội Y tế công cộng TP thí điểm Chương trình Chăm sóc đúng và ngay lập tức đã mang lại hiệu quả nhất định. Kết quả, chỉ trong 6 tháng đầu tiên triển khai, đã có thêm 40 người mắc lao được phát hiện và liên tiếp những năm sau, con số phát hiện người mắc lao cũng từ đó tăng cao, trung bình 200 trường hợp mỗi năm.

“Tỷ lệ bỏ điều trị đến nay đã giảm xuống còn 0,7%, giảm gần 7% so với năm 2013. Chăm sóc đúng đã giải được bài toán phát hiện người bệnh lao trong cộng đồng và giảm bỏ trị đối với người mắc bệnh lao, TS-BS Nguyễn Trung Hòa khẳng định.

Nhân rộng mô hình để loại trừ bệnh lao

Nhận thấy hiệu quả từ thí điểm Chương trình Chăm sóc đúng tại quận Gò Vấp, từ năm 2017, Sở Y tế và Hội Y tế công cộng đã nhân rộng mô hình này ra thêm 6 quận, huyện gồm quận 6, quận 8, quận 12, quận Tân Bình, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.

Ở giai đoạn này, ngoài mạng lưới tư vấn viên toàn thời gian, chương trình phát triển thêm hệ thống cộng tác viên bán thời gian để gia tăng độ bao phủ cũng như khả năng tiếp cận người dân.

Kết quả, sau 2 năm thực hiện Chương trình Chăm sóc đúng, tại 7 quận huyện, các tư vấn viên, cộng tác viên đã phát hiện 1.703 bệnh nhân có vi khuẩn lao trong cộng đồng. Đặc biệt, nhờ mạng lưới tư vấn viên, cộng tác viên mà tỷ lệ bỏ điều trị, mất dấu bệnh nhân lao tại 7 quận huyện chỉ còn dưới 2%. 

Đáng chú ý, từ năm 2017, Hội Y tế công cộng có ý tưởng đưa xe X-quang lưu động đến với người dân, những người có nguy cơ mắc lao cao nhưng không có điều kiện đến khám tại các cơ sở y tế vào các ngày thứ bảy, chủ nhật.

Tất cả kết quả hình ảnh có tổn thương do nghi lao đều được các tư vấn viên, cộng tác viên đến tận nhà lấy đàm và vận chuyển đến Tổ chống lao quận huyện để được xét nghiệm Gene XPert miễn phí.

Đây là xét nghiệm lao hiện đại, có khả năng chẩn đoán nhanh, chính xác, kể cả xác định được người mắc lao mang vi trùng lao đa kháng thuốc để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Từ năm 2017 đến nay, Chương trình đã tổ chức 132 buổi chụp X-quang lưu động tại 291 điểm, chụp X-quang miễn phí cho 40.944 người, trong đó có 4.720 phim có hình ảnh nghi lao, xét nghiệm đàm cho 3.381 người và phát hiện 343 người mắc bệnh lao.

TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho biết, đến tháng 9-2019, Chương trình Chăm sóc đúng kết thúc các hoạt động, chứng minh được hiệu quả của mô hình chủ động tầm soát người mắc lao trong cộng đồng dựa trên mạng lưới tư vấn viên, cộng tác viên.

Từ năm 2020, Chương trình sẽ được chuyển giao cho Sở Y tế để mở rộng địa bàn chống lao với tên gọi mới Chăm sóc đúng chuyển tiếp. Để thực hiện hiệu quả Chương trình Chăm sóc đúng chuyển tiếp, TS-BS Lê Trường Giang kiến nghị UBND TPHCM và Sở Y tế thiết lập, quản lý hoạt động, chi trả tiền bồi dưỡng cho mạng lưới cộng tác viên để họ có thể gắn kết với hoạt động phòng chống lao hiện nay.

Hội Y tế công cộng sẽ cùng phối hợp với các tổ chức quốc tế nỗ lực duy trì việc cung ứng chi phí cho mọi hoạt động tầm soát, chẩn đoán, phát hiện bệnh lao như trong thời gian qua, nhằm mục tiêu phấn đấu chấm dứt dịch lao vào năm 2030 theo Chiến lược phòng, chống lao của Chính phủ.

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Khánh thành công trình Viện Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương

Khánh thành công trình Viện Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương

Sáng 25-2, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2025), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108) tổ chức lễ khánh thành 2 tòa nhà, gồm: Viện Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương và Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương đến dự lễ và chúc mừng các thầy thuốc BV 108.

Y tế biển đảo - điểm tựa giữa trùng khơi - Bài 2: Bám biển, giữ đảo

Y tế biển đảo - điểm tựa giữa trùng khơi - Bài 2: Bám biển, giữ đảo

Nằm xa đất liền, hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng những người làm công tác y tế nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc từng bước vượt qua khó khăn, sáng tạo trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy mua sắm tập trung nhằm tiếp tục hạ giá thuốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy mua sắm tập trung nhằm tiếp tục hạ giá thuốc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định để tiếp tục gỡ vướng trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc; thúc đẩy mua sắm tập trung ở cả cấp quốc gia và địa phương nhằm tiếp tục hạ giá thuốc, để người dân được hưởng lợi.

Điều trị thành công ca bệnh do não mô cầu

Điều trị thành công ca bệnh do não mô cầu

Người đàn ông 38 tuổi nhập viện với nhiều ban hoại tử tím trên cơ thể, đờ đẫn, sốt cao do não mô cầu. Điều tra dịch tễ, cơ quan y tế phát hiện thêm 2 trường hợp nghi nhiễm khác. 

TPHCM tri ân các y, bác sĩ

TPHCM tri ân các y, bác sĩ

Thường trực Thành ủy TPHCM vừa tổ chức họp mặt tri ân các y, bác sĩ, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2025).

Sau chiếc áo chì

Sau chiếc áo chì

Điện thoại từ khoa Cấp cứu reo lên, phá tan sự tĩnh lặng trong Đơn vị Can thiệp nội mạch. Giọng nói gấp gáp báo tin: “Bệnh nhân nam, 40 tuổi, nhồi máu cơ tim cấp thành dưới, dọa choáng tim”.

Ứng dụng công nghệ trong phục hồi chức năng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ứng dụng thực tế ảo trong phục hồi chức năng

Ngày 23-2, Bệnh viện 199 (Bộ Công An) tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề “Phục hồi chức năng toàn diện: Từ kiến thức đến thực tiễn” thu hút hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế.

Vẽ để hồi phục niềm vui sống

Vẽ để hồi phục niềm vui sống

Có một lớp vẽ đặc biệt, mở cửa miễn phí 11 năm qua tại Bệnh viện An Bình (TPHCM) dành cho người bệnh đột quỵ, chấn thương sọ não… Họ đến đây không chỉ để phục hồi giao tiếp, vận động mà còn để tìm lại sự tự tin, niềm vui sống, cảm thấy không tuyệt vọng và đơn độc trước biến cố cuộc đời.