Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chính sách xã hội cần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng, kết hợp nội lực với ngoại lực.
Trong từng giai đoạn và điều kiện cụ thể, TPHCM đã đầu tư nguồn lực nhà nước đáng kể cho chính sách an sinh xã hội và huy động được nguồn lực lớn trong dân, cộng đồng doanh nghiệp. Trong chỉ đạo, điều hành, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với mọi tình huống xảy ra, MTTQ và các đoàn thể, cơ quan truyền thông đã tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, và đặc biệt là bộ máy ở cơ sở, là lực lượng nòng cốt trong công tác an sinh xã hội.
Người dân đóng vai trò quan trọng trong an sinh xã hội. Và đối với Sài Gòn - TPHCM, nhân ái, nghĩa tình như một đặc tính, đặc trưng, một nét đẹp của văn hóa, con người của vùng đất này. Có lẽ nét đẹp ấy được hình thành từ những người đi mở cõi và trải qua biết bao khó khăn, thử thách đã hun đúc nên truyền thống tốt đẹp - làm nên một thành phố nghĩa tình.
TPHCM không chỉ là đầu tàu kinh tế cả nước mà còn là nơi khởi đầu nhiều phong trào xã hội mang tính nhân văn cao. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, tình thương yêu con người… chính là sức mạnh giúp vượt qua đại dịch. Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm nhiệm Giám đốc một bệnh viện dã chiến 1.000 giường, đã từng đúc kết một câu thật sâu sắc khi cho rằng, nhờ nguồn lực xã hội, nhờ thành phố nghĩa tình mới có thể vượt qua đại dịch.
Để làm tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII là chính sách xã hội sẽ được đặt trong tổng thể việc quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội. Chính sách an sinh xã hội đa tầng, toàn diện sẽ được xây dựng tạo thành mạng lưới an sinh bao trùm trợ giúp người dân, bao gồm liên kết dạy nghề - việc làm, bảo hiểm và trợ giúp xã hội, trong đó tầng trợ giúp xã hội sẽ đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của nhà nước, sự giám sát thường xuyên của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói riêng và tình hình quốc tế nói chung tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới, vì vậy những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, thu nhập của người dân sẽ còn là nỗi lo, cần có giải pháp, chính sách và sự quan tâm chăm lo một cách sâu sát, thiết thực.
Vừa qua, HĐND TPHCM đã quyết định bổ sung vốn, chính sách theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, để hỗ trợ người nghèo. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo để hỗ trợ người dân. Bản thân người lao động cũng nỗ lực vượt khó, thể hiện ý chí và nghị lực vươn lên.
Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đang triển khai việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trong tình hình mới, trước mắt là việc chăm lo trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 cho người có công và người có hoàn cảnh khó khăn. Từ thực tiễn sinh động và cách làm sáng tạo, TPHCM sẽ hoàn thiện mô hình an sinh xã hội vì dân, phù hợp với chuẩn mực nhân văn của đô thị hiện đại, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, quốc gia hạnh phúc.