Người dân tại các vùng dịch đều trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngoài ra, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng cắt cử các bác sĩ túc trực 24/24 tại BV Đa khoa vùng Tây Nguyên để hỗ trợ công tác điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh.
Không để dịch lây lan
Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp BV Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, BV tiếp nhận và điều trị 6 bệnh nhân mắc bạch hầu từ tỉnh Đắk Nông. Những ngày qua, được sự phối hợp của các bác sĩ của BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, 2 bệnh nhân đã xuất viện, 3 người khác sức khỏe ổn định. “Riêng bệnh nhân Giàng A Ph. (xã Quảng Hòa), tình trạng bệnh đã chuyển qua giai đoạn ác tính buộc phải mở khí quản, đặt máy tạo nhịp, truyền tiểu cầu. Chúng tôi đã thống nhất chuyển bệnh nhân này xuống BV Bệnh nhiệt đới TPHCM để tiếp tục điều trị”, bác sĩ Minh thông tin.
Ông Đặng Thành, Giám đốc CDC Đắk Nông, cho biết, đến thời điểm này, các ổ dịch trên địa bàn đã được kiểm soát. Trước đó, một học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Quảng Hòa) đã tiếp xúc gần với một trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Để chủ động bao vây, tầm soát dịch, đơn vị đã tổ chức khám sàng lọc lấy 28 mẫu của các em tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. “Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả trường hợp âm tính virus gây bệnh bạch hầu”, ông Đặng Thành nói.
Tại xã Quảng Hòa, nơi dịch bạch hầu phát sinh, ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ ngày phát dịch, chính quyền địa phương đã thành lập 2 chốt, tổ chức phong tỏa, cách ly 73 hộ với 414 khẩu tại thôn 6 (nơi xảy ra dịch). Chính quyền địa phương đã hỗ trợ hơn 2 tấn gạo cho người dân vùng cách ly. Đối với các nhu yếu phẩm khác, lực lượng chức năng sẽ hỗ trợ, cung cấp cho người dân khi có nhu cầu. Còn theo ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long, ngoài việc lập các chốt, bố trí lực lượng chốt chặn, ngăn chặn người dân ra vào vùng dịch, huyện đang tập trung lực lượng phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tiêm phòng cho những người dân ở vùng dịch, nhất là đối với người đồng bào H’Mông.
Tiếp sức ngành y tế địa phương
Theo Giám đốc CDC Đắk Nông, ngoài việc khoanh vùng, dập dịch, CDC Đắk Nông đã truy vết tất cả đối tượng tiếp xúc gần để lấy mẫu xét nghiệm và uống thuốc dự phòng. Tiến hành phun khử khuẩn 100% (71/71 hộ gia đình) tại thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long với tần suất 2 lần/ngày. Đồng thời, khử khuẩn tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn và Trạm Y tế xã, là nơi ca bệnh từng theo học và khám chữa bệnh. Mặt khác, đã tiến hành xử lý tử thi bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu theo quy định. Ngoài ra, CDC tỉnh Đắk Nông phối hợp với ngành chức năng phát thanh lưu động trên địa bàn toàn xã về cách phòng chống bệnh bạch hầu, lợi ích của việc tiêm vaccine để phòng chống bệnh. Triển khai giải pháp dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình chống dịch.
Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã lấy tổng cộng 572 mẫu xét nghiệm bạch hầu, tổ chức điều trị dự phòng cho khoảng 1.325 người dân. “Dự kiến, ngày 28-6, đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ vào phối hợp với ngành y tế tỉnh Đắk Nông tổ chức tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu, uốn ván cho 4.900 người dân ở xã Quảng Hòa (từ 7 - 40 tuổi). Sau đó, ngành y tế sẽ tiếp tục tổ chức tiêm vaccine cho người dân ở xã Đắk R’măng”, ông Thành thông tin.
Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh lý nhiễm trùng, hiện có 2 loại thuốc thông dùng để điều trị là Penicilline và Erythromycine. Tuy nhiên, hiện ở tỉnh Đắk Nông chưa có huyết thanh kháng độc tố, do đó công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh kiến nghị Bộ Y tế quan tâm, cung cấp huyết thanh kháng độc tố để bệnh viện chủ động hơn trong quá trình điều trị.
Ngày 27-6, Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu trên địa bàn. Cụ thể, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh, cách ly kịp thời các trường hợp mắc; khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài; tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ. Đồng thời thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất số bệnh nhân biến chứng nặng và tử vong. Tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. NGUYỄN QUỐC |