Sạt lở bủa vây ĐBSCL
Những ngày này, nhiều người dân ở một số xã của huyện Kế Sách và huyện Long Phú (Sóc Trăng) lo lắng vì tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của bà con. Ông Phạm Hải Hoàng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cho biết, trên địa bàn ấp Hòa Thành vừa xảy ra vụ sạt lở tuyến đê bao khiến 2 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông, một căn còn lại cũng bị đe dọa, thiệt hại ước tính trên 500 triệu đồng.
Ông Lê Ngọc Lâm (69 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Thành) kể chỉ trong vòng một tuần (từ 21 đến 27-7), 2 căn nhà của gia đình ông bị trôi xuống sông. Trong đó, một căn nhà sàn diện tích 75m2, một nhà kho khoảng 120m2. Ít nhất có 7 điểm sạt lở nghiêm trọng tại xã Xuân Hòa đang đe dọa đến nhiều diện tích đất vườn của người dân.
Mới nhất là vụ nứt quốc lộ 91, đoạn đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. UBND tỉnh An Giang đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Đến sáng 31-7, vết nứt tiếp tục mở rộng từ 1,5cm lên 3cm. Hai căn nhà và 2 quán nước trong khu vực có vết nứt đã được tháo dỡ, di dời. Theo ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh đã chỉ đạo UBND các địa phương theo dõi sát diễn biến sạt lở, kịp thời di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở. Các lực lượng chức năng phối hợp các đơn vị, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Cần nói thêm, cũng tại khu vực này, năm 2010 liên tiếp xảy ra sạt lở bờ sông ăn sâu vào quốc lộ 91. Chính quyền địa phương từng xử lý vụ lở đất làm đứt quốc lộ 91 khi lấp một hố xoáy từ lòng sông bằng bao cát.
Tại TP Cần Thơ, rạng sáng 29-7, tại kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang ven quốc lộ 80, đoạn qua ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh cũng xảy ra sạt lở đất với chiều dài hơn 40m, làm 2 căn nhà bị sụp xuống sông hoàn toàn, 2 căn sạt lở một phần, 1 căn bị hư hỏng nhẹ và 2 trụ điện cao thế buộc phải di dời. Rất may không có thương vong. Hiện UBND huyện Vĩnh Thạnh đang đề nghị thành phố hỗ trợ mỗi hộ dân 20 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, địa phương cũng hỗ trợ mỗi gia đình từ 5 - 9 triệu đồng và bố trí các hộ dân này vào khu dân cư vượt lũ xã Thạnh Quới để tạm thời ổn định cuộc sống.
Sụt lún bất thường ở miền Trung
Người dân xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian gần đây luôn bất an mỗi khi ra đồng vì ruộng nhà họ liên tục xuất hiện những hố sụt lún bất thường. Mảnh ruộng của gia đình anh Thái Văn Niên (xã Phong Xuân) thuộc cánh đồng Mỏm Lang, cách vị trí mỏ đá vôi của Công ty xi măng Đồng Lâm đang khai thác chừng 300m vừa xuất hiện vị trí sụt lún nằm ngay sát chân ruộng sâu khoảng 1m, đường kính gần 2m. Hiện tượng sụt lún bất thường không chỉ xuất hiện ở khu vực ruộng lúa xã Phong Xuân mà còn xuất hiện ngay tại vườn nhà các hộ dân sống khu vực lân cận địa phương này, với các hố sụt lún rộng hơn 1,2m, sâu 2m.
Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, cho biết, trước đây cánh đồng Mỏm Lang là nơi canh tác lúa trù phú của người dân trong xã. Từ năm 2014, khi mỏ đá vôi của Công ty xi măng Đồng Lâm chính thức khai thác thì nhiều khoảnh ruộng xuất hiện những hố sụt lún sâu. Hiện có hơn 25ha ruộng, đất hoa màu của người dân nằm trong khu vực gần mỏ đá xảy ra sụt lún.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, khuya ngày 26-7, người dân bất ngờ phát hiện cả một đoạn sông dài gần 30m chảy qua cảng cá An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên bị sụt lún nghiêm trọng. Theo kết quả đo đạc ban đầu của cán bộ UBND xã Duy Hải, vị trí sụt lún cách bờ kè An Lương khoảng 8m với độ sâu chừng 5m, rộng hơn 10m. Ông Nguyễn Văn Chi, sống cách bờ kè gần 6m, cho biết đây là lần đầu tiên ông thấy lòng sông sụt lún. “Bà con ở đây ai cũng bất an vì không biết bờ sông sạt lở đến đâu, bởi vì chuyện này đã từng xảy ra tại khu vực phía trên từ nhiều năm trước, khiến hàng chục ngôi nhà bị cuốn xuống sông. Chính quyền và các nhà khoa học cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để bà con yên tâm”, ông Chi lo lắng.
Ông Nguyễn Tấn Thu, người đầu tiên phát hiện lòng sông sụt lún, cho biết lúc ông soi đèn pin chuẩn bị ra kéo rớ thì tá hỏa phát hiện xung quanh các giàn rớ của mình nước nổi bọt trắng. Thấy bất thường, ông Thu và con trai cố kéo giàn rớ vào nhưng đáy sông tụt sâu và cuốn phăng giàn rớ xuống sông.
Nói về hiện tượng sụt lún đồng ruộng, vườn tược, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết, cùng với hàng chục hố sụt lún, đường kính miệng hố rộng từ 2 - 8,4m, sâu từ 0,3 - 2m (xuất hiện từ năm 2015), đầu năm 2019 đến nay, tại cánh đồng ở Phong Xuân tiếp tục xuất hiện thêm một số hố sụt lún tại cánh đồng lúa Mỏm Lang và khu vực có mồ mả và tại vườn nhà dân. Các hố sụt lún xuất hiện dọc theo đứt gãy Đông - Tây, trải dài trên diện rộng khoảng 400m, hố xa nhất cách mỏ 850m. Trước mắt, Công ty xi măng Đồng Lâm thống nhất triển khai phương án san lấp hố sụt lún, tránh nguy hiểm cho người và gia súc. Đồng thời hỗ trợ người dân ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu năm 2018 vì sụt lún.
Nhận định về nguyên nhân, ông Trịnh Đức Hùng cho rằng mỏ đá vôi của Công ty xi măng Đồng Lâm khai thác âm, chiều cao đáy thấp hơn mặt bằng đồng ruộng khoảng 25m, gây tình trạng nước ngoài ruộng ngấm chảy qua khe nứt, mang theo bùn đất vào mỏ, lâu dần tạo thành các hố sụt lún.
Về hiện tượng sụt lún lòng sông Thu Bồn tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải, cho biết ngoài khuyến cáo người dân đề phòng, cảnh giác khu vực xung quanh sụt lún, UBND xã cũng đã báo sự việc lên các cấp ngành liên quan. Một số ý kiến cho rằng việc sụt lún lòng sông Thu Bồn có thể liên quan đến hiện tượng bồi tụ 2 cồn cát tại biển Cửa Đại, Hội An cách đó khoảng hơn 2km. Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để khẳng định 2 sự việc này có liên quan hay không cần phải có nghiên cứu, kết luận cụ thể từ các nhà khoa học.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Bộ TN-MT, từ năm 2010 tới nay, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển và làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển. Trước thực trạng trên, Bộ TN-MT đã bố trí và có kế hoạch đầu tư 169 dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng kinh phí 8.707 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, nguồn vốn vay thông qua các dự án ODA, chương trình SP-RCC.
Ngoài ra, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để xử lý 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL; đồng ý hỗ trợ 7 triệu USD từ vốn kết dư dự án ADB đối với 2 dự án thuộc tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Cùng với đó, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương triển khai một số hoạt động nhằm ứng phó xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển; các địa phương cũng đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm ứng phó với tình hình lũ, hạn, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án cấp bách ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển như: xây kè chống sạt lở kiên cố ở các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kè phá sóng và trồng rừng phòng hộ chắn sóng để phòng chống sạt lở; di dời, ổn định sinh kế người dân vùng bị sạt lở, sụt lún.
Tuy nhiên, việc xử lý các điểm sạt lở cấp bách chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước, chưa có cơ chế hiệu quả huy động được nguồn vốn tư nhân, xã hội hóa để xử lý sạt lở dẫn đến nhiều khu vực chưa được đầu tư xử lý triệt để hoặc chưa được đầu tư.
Theo các chuyên gia, để chủ động ứng phó với sạt lở, cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát; quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, kênh rạch theo đúng quy định về việc hành lang bảo vệ nguồn nước và phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, tiếp tục bố trí, sắp xếp di dời dân ra khỏi hành lang và phạm vi bảo vệ bờ sông, kênh rạch; ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở, quản lý tổng hợp vùng bờ theo hình thức xã hội hóa, gắn trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn; triển khai lập các quy hoạch phòng chống thiên tai, thủy lợi; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan, trong đó thể hiện đầy đủ nội dung (hợp phần) chỉnh trị sông làm cơ sở để xác định giải pháp tổng thể, bao gồm công trình và phi công trình đảm bảo ổn định bền vững trước mắt cũng như lâu dài...