Nỗ lực kết nối dự án Vành đai 2 tạo động lực phát triển cho cửa ngõ phía Đông

Lãnh đạo TPHCM cũng như các sở ngành liên quan đang nỗ lực để cuối năm 2024 khởi công một số đoạn tuyến còn lại của dự án Vành đai 2. Đây là trục giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TPHCM, khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển cho nhiều khu vực, nhất là khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố.

Một số đoạn của dự án Vành đai 2 bị ngưng trệ từ nhiều năm nay
Một số đoạn của dự án Vành đai 2 bị ngưng trệ từ nhiều năm nay

Dự án Vành đai 2 TPHCM dài gần 65km, trong đó, đã hoàn thành 50km, phần còn lại, ngoài đoạn 4 - từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh chưa được đầu tư, hiện còn 3 đoạn trên địa bàn TP Thủ Đức chưa khép kín gồm: đoạn 1 từ đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp; đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng và đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa.

Trong đợt này, TP tập trung triển khai thực hiện đoạn 1 và 2 của dự án với tổng chiều dài gần 6km, tổng mức đầu tư gần 14 ngàn tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, các đoạn tuyến còn lại phải được khởi công vào cuối năm 2024. Theo kế hoạch, TP Thủ Đức sẽ bồi thường, giải phóng 70% mặt bằng trước 30-11-2024 và đạt 100% vào ngày 30-3-2025, khởi công vào tháng 12-2024 và hoàn thành toàn bộ dự án vào khoảng tháng 6-2027.

Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết hiện nay dự án khép kín đường Vành đai 2 triển khai như dự án thông thường nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng hiện hành. Theo đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban giao thông) làm chủ đầu tư, hiện tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Sở GTVT TP thẩm định, trình UBND TPHCM phê duyệt dự án trong thời gian sớm nhất. Dự án khép kín đường Vành đai 2 có số lượng hồ sơ giải phóng mặt bằng rất lớn. Vì vậy, để người dân đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng thì đơn giá bồi thường là quan trọng nhất. Địa phương đã đề nghị Ban bồi thường chủ động xác định đơn giá tương đối phù hợp với giá thị trường nhất cho người dân. Theo Sở GTVT, hiện UBND TP Thủ Đức đã chỉ đạo Ban bồi thường GPMB TP Thủ Đức phối hợp với Ban giao thông và các sở, ngành, đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ xây dựng dự án khép kín đường Vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức.

Chiều 3-6, trao đổi với phóng viên về công tác đền bù, giải tỏa của dự án, một lãnh đạo UBND TP Thủ Đức cho biết, phương án bồi thường TP Thủ Đức đã trình từ tháng 4-2024 nhưng vẫn chưa được các sở ngành thẩm định xong để trình UBND TPHCM phê duyệt. “Khi được phê duyệt chúng tôi sẽ triển khai ngay, hy vọng công tác đền bù sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới, kịp bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành như kế hoạch đề ra”, vị này cho biết.

Để đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù giải phóng mặt bằng, dự án khép kín đường Vành đai 2 sẽ áp dụng một số kinh nghiệm trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như đường Vành đai 3. Đơn cử như trên cơ sở ranh dự án trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổ chức kiểm kê, xác định tình trạng pháp lý. Cụ thể, TP Thủ Đức sẽ chia làm hai nhóm đối tượng để rút ngắn tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhóm 1 sẽ áp dụng cho các trường hợp bị ảnh hưởng đất nông nghiệp; các trường hợp bị ảnh hưởng đất ở nhưng đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn theo quy định. Nhóm 2 sẽ áp dụng cho các trường hợp bị ảnh hưởng đất nông nghiệp; các trường hợp bị ảnh hưởng đất ở không đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn theo quy định.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, dự án Vành đai 2 là một trong những dự án giao thông quan trọng của TPHCM trong năm 2024. Vì vậy, thời gian qua các sở ngành, đơn vị liên quan nỗ lực triển khai, phấn đấu hoàn thành tốt dự án. Đối với dự án Vành đai 2, trong năm 2024 ưu tiên hàng đầu là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. UBND TP Thủ Đức cần báo cáo ngay những khó khăn vướng mắc để TP có chính sách tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo ông Bùi Xuân Cường, cả hệ thống cần vào cuộc cho dự án, tuyên truyền để người dân đồng tình ủng hộ. UBND TPHCM cũng sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan phối hợp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cam kết nỗ lực hết sức, dự kiến thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như kiểm đếm, đo đạc trước khi thông báo thu hồi đất; thực hiện chuyển đổi số toàn diện từ đầu vào, quản lý hoàn toàn trên nền tảng số, đảm bảo độ chính xác cũng như tiết kiệm được thời gian, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, Vành đai 2 không chỉ là dự án giao thông góp phần kết nối vùng mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội của TP Thủ Đức. Bởi lẽ, Vành đai 2 là tuyến đường đô thị, kết nối trục Đông - Tây của TP Thủ Đức, kết nối TP Thủ Đức với các tỉnh lân cận. Đến nay dự án đã được TPHCM bố trí vốn để thực hiện. Vì vậy, TP Thủ Đức sẽ nỗ lực, ra sức triển khai, hoàn thành dự án, đảm bảo tiến độ như đúng kế hoạch đã đề ra.

Vành đai 2 là dự án có tầm quan trọng trong việc tạo sự đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa và giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực đô thị trung tâm hiện hữu, kết nối đô thị, các đầu mối giao thông lớn (cảng Cát Lái – Phú Hữu, cảng hàng không,…). Đồng thời, tăng cường năng lực, đồng bộ hệ thống giao thông khu vực đoạn tuyến đi qua, phát huy vai trò và hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng; góp phần vận tải hàng hóa khu vực cảng biển; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội TP Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung.

Ngoài ra, khi Vành đai 2 hoàn thiện cùng với một loạt dự án giao thông trọng điểm khác có tính kết nối với cửa ngõ phía Đông TPHCM đi vào hoạt động (Vành đai 3, tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên, sân bay Long Thành) sẽ góp phần làm cho bộ mặt đô thị khu vực này ngày càng văn minh, hiện đại; tạo sự thuận lợi đi lại cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tin cùng chuyên mục