Khó tiêu thụ, giá thấp
Hiện tỉnh Tây Ninh đang tồn 822 tấn mãng cầu, 300 tấn khoai sọ, 324 tấn nhãn da bò và hàng chục loại nông sản khác. Đối với gia cầm, tình hình càng khó khăn hơn với hơn 1 triệu con gà đang tồn và đã xuất hiện tình trạng tiêu hủy gà con do không có thức ăn, thiếu nhân công chăm sóc và thua lỗ (người nuôi đang gánh lỗ 20.000 đồng/kg gà).
Tại Long An, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) chuyên cung cấp các loại rau củ quả với số lượng trung bình 20 tấn/ngày, hàng đang chất đầy kho. Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc HTX cho biết, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề vận chuyển, lưu thông đến điểm tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn do các quy định phòng chống dịch.
Nhiều ngày qua, nông dân trồng chanh ở Tiền Giang cũng phải hái chanh đổ bỏ để dưỡng cây. Ông Trần Văn Thời, ngụ ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) chua chát nói: “Giá chanh hiện giờ chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg”. Ở tỉnh Đồng Tháp, dưa leo bán rất chậm, giá thấp. Ông Nguyễn Trọng Nhân, chủ vựa thu mua nông sản ở huyện Lấp Vò, cho biết: “Hiện thời giá dưa leo tại ruộng mà nông dân bán ra chỉ có 2.000 - 3.000 đồng/kg (giá thành sản xuất khoảng 5.000 đồng/kg). Các loại nông sản khác như bầu, bí… tại ruộng cũng quá thấp!”.
Tương tự là tình cảnh người dân tỉnh Lâm Đồng. Chị Lê Thị Chi (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) cho biết: “Gia đình đầu tư 1,4ha xà lách mỡ trong 6 tuần với chi phí hơn 40 triệu đồng. Dù đã có thỏa thuận với đầu mối thu mua, nhưng giờ phía bên kia bỏ cọc không cắt nữa do mặt hàng rau ăn lá đợt này đi chậm, hư hỏng nhiều, giá cước cao do nhà xe chịu thêm các chi phí”. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, các mặt hàng rau ăn quả như cà chua, đậu leo giảm rất mạnh, rau ăn lá cũng giảm, nhưng việc tiêu thụ càng khó khăn hơn do thời gian bảo quản, sử dụng sau thu hoạch ngắn...
Linh hoạt mọi giải pháp
Để giải quyết đầu ra cho nông sản bị tồn đọng, tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với ngành chức năng TPHCM mở điểm giao dịch liên tỉnh (tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), không yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, mỗi ngày giúp vận chuyển, lưu thông hơn 170 tấn hàng hóa, đồng thời phối hợp với các công ty vận chuyển phân phối hàng hóa đã được giao dịch online. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, tỉnh đang vận động người dân tiêu thụ thịt gà; riêng các mặt hàng mãng cầu, nhãn, ngành chức năng của tỉnh đang phối hợp hệ thống bưu điện tiếp tục hỗ trợ vận chuyển đi nhiều tỉnh thành.
Còn tại Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, sự kiện khai trương địa điểm kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với TPHCM, cũng như các tỉnh khác bằng tàu cao tốc đã và đang triển khai mang lại nhiều ý nghĩa, giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn. Mới đây, tỉnh Long An đã thông luồng tiêu thụ hơn 15.000 tấn thanh long, khi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An hỗ trợ huyện Châu Thành 10.000 bộ dụng cụ test nhanh cho người thu mua thanh long. Sở Công thương tỉnh Long An cũng đã kết nối với Tổng cục Bưu điện và Viettel post để vận chuyển hàng hóa.
Đồng Tháp cũng linh hoạt phối hợp Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tại Hà Nội. Cùng với nhãn, từ đầu tháng 7-2021 đến nay, đã có khoảng 200 sản phẩm nông sản khác của Đồng Tháp được chào bán trên các sàn thương mại như: Shopee, Sendo, Lazada, Postmart... Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Công thương tỉnh đã có văn bản gửi các trung tâm thương mại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn cùng phối hợp tiêu thụ và đề nghị Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn như: nhãn, thanh long, nấm, thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản.
Để giúp bà con nông dân ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản, hiện nay, Tổ công tác của Bộ NN-PTNT đã kết nối được 2 đơn hàng có nhu cầu thu mua, tiêu thụ lượng lớn thủy sản. Theo tổ công tác, các đơn hàng này rất lớn, tiêu chuẩn thu mua cao và mức xử phạt vi phạm chất lượng lớn, nên tổ công tác đã làm việc với UBND một số tỉnh, huyện có nguồn cung đảm bảo chất lượng để doanh nghiệp liên kết theo chuỗi lâu dài. Hiện Tổ công tác của Bộ NN-PTNT đang xúc tiến tìm kiếm đối tác tiêu thụ, hỗ trợ thị trường cho các cơ sở sản xuất khác ở ĐBSCL, nhất là rau quả, cây ăn trái và thủy sản với diện tích sản xuất rất lớn.
Theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT, đến ngày 3-8, đã có 576 đầu mối cung ứng nông sản và thực phẩm đăng ký với tổ công tác. Đến nay, Tổ công tác đã hỗ trợ kết nối được nhiều đơn hàng thịt, rau củ quả, thủy hải sản… cho các siêu thị tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương. Tổ công tác cũng đang thí điểm mô hình “chào hàng và giao hàng theo huyện” bằng cách kết hợp với UBND các huyện thống kê các nguồn hàng có khả năng cung cấp, tìm phương tiện chở hàng từ huyện lên thành phố, xin phép đầy đủ giấy tờ cho xe và tài xế, sau đó chào đơn hàng cho các siêu thị và tổ chức giao hàng, mỗi xe dao động 1-3 tấn. |
Kiến nghị thu mua, dự trữ lúa gạo
Để duy trì sản xuất nông nghiệp hiện nay và trong những tháng sắp tới, Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT đề xuất Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện và ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho lực lượng công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, chăn nuôi, giết mổ đang thực hiện “3 tại chỗ”; tiếp tục triển khai mở rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho các đối tượng là công nhân, người lao động ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp trong phạm vi 19 tỉnh và thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 ở phía Nam; đề nghị giao Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khuyến khích cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thu mua nông sản thiết yếu và cung ứng vật tư nông nghiệp để kích cầu sản xuất.
Cùng ngày, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã ký công văn gửi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, kiến nghị triển khai chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực, giúp ổn định thị trường lúa gạo tại các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa ở ĐBSCL.