Nỗ lực kéo giảm các vụ cháy lớn

2017 là năm có nhiều vụ cháy nổ diễn biến phức tạp trên địa bàn TPHCM với tổng số tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ, cứu nạn cứu hộ là 1.271 vụ. Trong đó, số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng là 23 vụ, tăng gần gấp đôi so với năm 2016. 
Các vụ cháy đã làm chết 24 người, bị thương 44 người, thiệt hại tài sản hơn 92 tỷ đồng. Năm 2018, UBND TPHCM đưa ra chỉ tiêu kéo giảm ít nhất 10% số vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. 
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, trong số hàng ngàn vụ cháy xảy ra trong năm 2017, đối tượng xảy ra cháy nhiều nhất là nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do người dân sử dụng điện không an toàn và bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất. Điều này cho thấy, vẫn còn một bộ phận người dân hiện nay rất lơ là, thiếu ý thức trong việc chấp hành nghiêm các quy định về PCCC khi sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Nỗ lực kéo giảm các vụ cháy lớn ảnh 1 Cảnh sát PCCC TPHCM kịp thời dập tắt đám cháy tại cơ sở sản xuất ống nhựa tại quận Tân Phú, TPHCM
“Đáng lo ngại hơn, kết quả các lần kiểm tra về PCCC trong năm 2017 cho thấy, không chỉ học sinh, công nhân, người lao động, người có trình độ thấp vi phạm mà đối tượng thường xuyên vi phạm PCCC còn có cả những cá nhân, tổ chức nắm rõ kiến thức pháp luật như: giáo viên, giám đốc các doanh nghiệp; thậm chí có cả cán bộ, công chức, viên chức”, một cán bộ chuyên trách kiểm tra thuộc Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Phòng 2), Cảnh sát PCCC TPHCM nói. 
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, từ thực tế trên, năm 2018, ngoài việc tăng cường quản lý nhà nước về PCCC, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, đơn vị sẽ phối hợp với UBND các quận huyện tập trung tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân. “Chúng tôi sẽ làm mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Bên cạnh những buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến kiến thức PCCC cho người dân, cơ sở, chủ doanh nghiệp thì hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, Cảnh sát PCCC TP còn tổ chức các buổi tập huấn kiến thức PCCC cho cán bộ chính quyền, đoàn thể, trưởng khu phố, bảo vệ dân phố, dân phòng… để những người này phổ biến rộng rãi cho người dân. Chúng tôi cũng tăng cường tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức về PCCC; phối hợp chặt chẽ hơn với báo đài, xây dựng nhiều hơn các chuyên trang, chuyên mục về  PCCC. Bằng nhiều cách để người dân “thấm” và thực đúng các quy định về PCCC. Một khi vi phạm ít diễn ra, chắc chắn cháy nổ sẽ được kéo giảm”, Thượng tá Hưởng cho hay.  
Trong khi đó, các quận huyện cho biết sẽ tập trung nâng chất, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ (dân phòng, bảo vệ dân phố, đội chữa cháy chuyên ngành, bảo vệ các doanh nghiệp….). Đây được xem là giải pháp trọng tâm, thiết yếu, bởi thực tế đã khẳng định vai trò của lực PCCC tại chỗ rất quan trọng, có ngăn chặn được cháy lớn cháy lan hay không, lực lượng này quyết định hơn 80%. Lực lượng này cũng gắn bó nhiều với người dân, do đó việc tuyên truyền cũng hiệu quả hơn. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường số lượng cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố bằng cách tăng các khoản thù lao để thu hút họ làm việc; kêu gọi, đầu tư thêm phương tiện chữa cháy từ nguồn xã hội hóa…”, lãnh đạo một quận thông tin. 
Tăng khả năng chữa cháy, giảm nguy cơ cháy 
Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính TPHCM cho biết, sẽ khẩn trương phối hợp với Cảnh sát PCCC TP xây dựng định mức đơn giá duy tu, sửa chữa các trụ nước đã hư hỏng, xuống cấp để UBND TPHCM ban hành mức giá cụ thể và sớm triển khai việc sửa chữa, thay mới các trụ nước bị hư. Gần 700 trụ nước chữa cháy hư hỏng hiện nay sẽ được khắc phục trong năm 2018. Về phía ngành điện TPHCM, đại diện ngành này cho biết sẽ tiếp tục rà soát, thống kê các khu dân cư, chung cư, tuyến hẻm có nguy cháy nổ cao liên quan đến hệ thống điện sinh hoạt để hỗ trợ khắc phục miễn phí; đồng thời, sẽ ràng buộc điều kiện cung cấp điện với khách để người nâng cao ý thức hơn trong việc sử dụng điện an toàn, tránh dẫn đến cháy nổ từ điện. 
Ngoài chủ động thực hiện các phần việc theo chuyên môn, lãnh đạo TPHCM cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để thực hiện quả các giải pháp trọng tâm trong ngăn ngừa cháy nổ do thành phố đưa ra. Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM Trần Thế Lưu yêu cầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cấp, đơn vị liên quan cần xem xét, làm rõ các nguyên nhân, bất cập, tồn tại khiến số vụ cháy, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng gia tăng trong năm 2017. Trên cơ sở đó sớm đưa ra các giải pháp khắc phục hợp lý, hiệu quả. Đặc biệt, khẩn trương di dời các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao ra khỏi khu dân cư. Đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh, công tác PCCC phải cụ thể hơn, phải có bộ tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm với đối tượng này, phân tích các lỗi phát sinh thường xuyên để có biện pháp xử lý, chế tài mạnh hơn.
5 sự kiện nổi bật trong năm 2017
1. Triển khai cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính
Ngày 9-3-2017, Cảnh sát PCCC TPHCM chính thức triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về PCCC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị. Theo đó, từ thời điểm trên, tất cả vấn đề liên quan đến 14 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về PCCC thuộc thẩm quyền giải quyết của Cảnh sát PCCC TP, người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... chỉ cần trực tiếp liên hệ, làm việc tại trụ sở chính của đơn vị ở số 258 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM. Những hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sẽ được Cảnh sát PCCC TPHCM thụ lý, giải quyết theo quy trình khép kín với 4 bước: tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ. 
2. Những tấm gương hy sinh thầm lặng
Vào lúc 23 giờ 21 phút ngày 7-9-2017, nhận được tin báo có cháy tại nhà dân ổ số 9, đường 10A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM; Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân đã điều động lực lực lượng phương tiện khẩn trương đến nơi để xử lý tình hình. Trong khi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ bên trong ngôi nhà bị cháy, những khối bê tông vô tri bất ngờ đổ sụp, cướp đi sinh mạng của Đại úy Phạm Phi Long và 2 chiến sĩ khác bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu và điều trị trong thời gian dài. Những sự mất mát đó đã để lại niềm tiếc thương cho mỗi cán bộ - chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát PCCC và người dân TP. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, tất cả thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC TP hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục vững bước tiến trên con đường lý tưởng “Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ”. Bởi lẽ, đó không chỉ là lời thề danh dự, mà còn là sự nghiêng mình để tưởng nhớ, để tự hào, để xứng đáng với những đồng đội đã ngã xuống đầy oanh liệt.
3. Tham mưu UBND TP trình HĐND TPHCM ban hành nghị quyết về thắt chặt công tác quản lý đối với cơ sở nguy hiểm về cháy nổ 
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đồng thời căn cứ vào Điều 63a Luật sửa đổi bổ sung của Luật PCCC về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực, cũng như thực hiện một số văn bản chỉ đạo của cấp trên; trong năm 2017 vừa qua, Cảnh sát PCCC TP đã chủ động tham mưu UBND TP trình HĐND TPHCM dự thảo nghị quyết quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP, được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực. Tháng 9-2017, HĐND TPHCM đã tổ chức 2 buổi tọa đàm lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp cùng chuyên gia đối với dự thảo nghị quyết này. Trên cơ sở đó, ngày 7-12-2017, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực trên địa bàn TP. Điều này sẽ giúp thắt chặt hơn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC; đồng thời, cũng là tiền đề cho những giải pháp nhằm giảm thiểu tình hình cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra trên địa bàn TPHCM.
4. Cứu nạn cứu hộ thành công vụ rò rỉ khí amoniac
Vào lúc 9 giờ 13 ngày 10-10-2017 xảy ra vụ rò rỉ khí độc tại Trạm chiết nạp khí amoniac (NH­3) ở ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh,  Cảnh sát PCCC TPHCM đã điều động Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh đến ngay hiện trường, khẩn trương xử lý vụ tai nạn. Cùng với việc kịp thời ngăn chặn khí amoniac tiếp tục thoát ra ngoài môi trường, cũng như làm loãng nồng độ khí amoniac trong không khí, lực lượng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh còn tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng khác của địa phương tổ chức sơ tán khẩn cấp hơn 1.200 học sinh và người dân đến khu vực an toàn; 4 nạn nhân bị thương cũng được khẩn trương đưa đi cấp cứu. Có thể nói, từ khi thành lập đơn vị đến nay, đây là lần đầu tiên lực lượng Cảnh sát PCCC TP trực tiếp tham gia xử lý tai nạn rò rỉ khí độc nguy hiểm và cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần dũng cảm, tính chuyên nghiệp cao, được lãnh đạo các cấp cùng nhân dân khen ngợi.
5. Diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hóa chất quy mô lớn
Trung tuần 10-2017, được sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Cảnh sát PCCC TP đã chủ trì tổ chức cuộc diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, xử lý rò rỉ hóa chất quy mô lớn tại khu hàng hóa chất (IMDG) thuộc cảng Tân Cảng - Cát Lái. Sự chính quy, tinh nhuệ của toàn thể cán bộ chiến sĩ, cùng sự hỗ trợ hữu hiệu từ những phương tiện xử lý hóa chất đặc chủng, hiện đại... đã giúp lực lượng Cảnh sát PCCC TP nhanh chóng làm chủ hoàn toàn thế trận và giữ vai trò quyết định làm nên thành công của cuộc diễn tập này.
BÍCH HẠNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục