10 năm sống cùng ô nhiễm
Những ngày cuối tháng 3, dưới cái nắng gay gắt, chúng tôi có mặt tại kênh Hy Vọng và cảm thấy nghẹt thở bởi tình trạng ô nhiễm ở đây. Rác sinh hoạt đủ các loại, từ hộp nhựa, phế phẩm, thực phẩm cho đến bàn ghế cũ, giường tủ, xác chết động vật... gần như đều được thải hết xuống kênh. Lâu ngày không được nạo vét, rác thải kết thành từng tảng dày, bốc mùi hôi thối.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm kéo dài ở đây đã khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân rất mệt mỏi. Mở mắt ra là thấy rác lù lù trước mặt, ruồi muỗi vo ve cả ngày, chuột bọ thì chạy tứ tung, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cô Lan, một người dân sống tại khu vực này cho biết, cứ mùa mưa tới là rác sinh hoạt lại kết thành từng bè ngập đầy kênh. Cống nghẹt rác làm nước ngập, có khi tràn cả vào nhà dân. Qua các phương tiện truyền thông và họp khu phố, cô có nghe thành phố triển khai nhiều biện pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm ở khu vực này nhưng chưa thấy có chuyển biến gì.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.980 tỷ đồng
Trước thực trạng trên, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng TPHCM, đề xuất chủ trương đầu tư công dự án cải tạo kênh Hy Vọng. Theo đó, dự án sẽ tập trung vào tiêu thoát nước mưa chống ngập úng cho khu vực (lưu vực A41), sân bay Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực khoảng 51,3ha. Kết hợp xây dựng 2 tuyến đường dọc kênh bảo đảm giao thông thuận lợi cho người dân trong khu vực, góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.980 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù hơn 1.595 tỷ đồng. Dự kiến dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án, tốc độ đô thị hóa nhanh, không đồng bộ với đầu tư phát triển hệ thống tiêu thoát nước và xử lý nước thải, đã làm ngập và ô nhiễm khu vực này ngày càng trầm trọng. Ở khu vực Tân Bình, hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải tập trung hiện quá cũ (chỉ 10% đạt yêu cầu), trên 30% diện tích khu vực chưa có cống thoát nước. Quá trình khảo sát và tìm hiểu cuộc sống người dân dọc kênh Hy Vọng cho thấy, nếu không sớm cải tạo sẽ dẫn đến ngập úng cục bộ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gây mất an toàn bay, đồng thời làm ô nhiễm môi trường sống của người dân trong khu vực.
Dự án cải tạo kênh Hy Vọng đã được TPHCM chấp thuận chủ trương từ năm 2013, nhưng đến năm 2016 thiết kế cơ sở của dự án mới được phê duyệt. Đây là dự án thành phần của Dự án “Quản lý rủi ro chống ngập cho TPHCM”, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, do nhiều vấn đề chưa thống nhất nên giữa năm 2017, WB thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho Dự án “Quản lý rủi ro chống ngập cho TPHCM” khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng phải dừng lại.
Năm 2018, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM đã kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách, mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Nhưng do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và một số thủ tục nên dự án chưa thể triển khai. Hiện Ngân hàng Phát triển châu Á đang xem xét tài trợ một số hạng mục của Dự án “Quản lý rủi ro chống ngập cho TPHCM”, nên việc cải tạo kênh Hy Vọng tiếp tục được đặt ra.