Chuẩn bị đón sếu
Theo Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim, trong giai đoạn 2022 – 2032, tỉnh Đồng Tháp sẽ nuôi thả 100 cá thể sếu, tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở VQG Tràm Chim. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2028, tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam là một trong số nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện đề án này. Đến nay, công tác chuẩn bị chuyển sếu từ Thái Lan về Việt Nam để nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển thành đàn sếu tại VQG Tràm Chim đang được thực hiện quyết liệt. Tại khu nuôi sếu rộng 4ha của VQG Tràm Chim, việc phục hồi sinh cảnh sống cho sếu đang khẩn trương thực hiện, trong đó có ngành chức năng đang đẩy nhanh cải tạo, phục hồi lúa ma và năng kim – đây là môi trường sinh sống rất tốt cho sếu.
Ngoài ra, kiểm soát lại thủy văn cho hợp lý theo khuyến cáo của các nhà khoa học, để đảm bảo rằng môi trường sinh cảnh của các loài động thực vật phát triển đồng đều, cân đối, nguồn thức ăn bền vững cho sếu đầu đỏ, cũng như thực hiện việc chủ động phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt là truyền thông cho người dân am hiểu, nhận thức sâu sắc về đề án này để loài sếu quý hiếm được bảo vệ, bảo tồn và phát triển lâu dài tại VQG Tràm Chim.
Bà Lê Nhật Thùy, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, bảo tồn chim sếu không hẳn là đem về và thả ra, vì đây là loài di cư sẽ bay đi mất. Quan trọng là phải tạo một hệ sinh thái để sếu tồn tại và phát triển. Công ty C.P. mong muốn mình có cơ hội kết nối Việt Nam - Thái Lan thông qua ngôn ngữ, cùng tạo hệ sinh thái để sếu có thể phát triển lâu dài, thông qua việc truyền thông để người dân Tràm Chim hiểu về công tác bảo vệ sếu đầu đỏ, bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục cho học sinh, sinh viên tại trường học. Các em phải hiểu giá trị và yêu thương chim sếu mới có thể cùng chung tay bảo vệ.
Theo bà Thuỳ, Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại tỉnh Đồng Tháp không chỉ là đề án riêng của tỉnh Đồng Tháp mà của cả Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và của cả nhân loại thì mới đúng tầm. Vì sếu đầu đỏ bắt nguồn từ Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Campuchia... xuất hiện cách đây 50 - 60 triệu năm. Ở Việt Nam, ông bà ta đã đưa sếu lên vị trí rất cao quý (cưỡi hạc quy tiên) hay ở Thái Lan họ gọi sếu là chim thần. Ta nên hiểu điều này để càng trân quý sếu hơn.
“Tại Đồng Tháp, hơn 2-3 năm nay, không còn chim sếu bay về, đó là điều đáng buồn. Thái Lan cũng rơi vào cảnh mất hết chim sếu. Họ mất 20 năm để gây dựng và 10 năm để nuôi dưỡng, phát triển sếu được như hiện tại và sẵn sàng chuyển giao đến các nước khác nhằm mục đích bảo tồn”, bà Thuỳ chia sẻ.
Theo thống kê của VQG Tràm Chim, năm 2015 số lượng sếu về chỉ 21 con, năm 2016 số lượng bay về được 14 con, năm 2017 được 9 con, năm 2018 được 11 con, năm 2019 được 11 con. Năm 2020, sếu không về, năm 2021 về 3 con rồi vắng bóng hai năm sau. Tín hiệu vui mừng là đầu tháng 3-2024 xuất hiện 4 con sếu đầu tiên bay về khu vực này. Năm 1986, sếu đầu đỏ (chim hạc, sếu cổ trụi), được tái phát hiện ở Tràm Chim. Đến năm 1998, nơi đây trở thành Vườn quốc gia Tràm Chim theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 22-5-2012, VQG Tràm Chim được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là khu Ramsar 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới.
Xây dựng thương hiệu Gạo Sếu Tam Nông
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đề án có nhiệm vụ quan trọng đó là phục hồi hệ sinh thái, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế cho người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu về môi trường tự nhiên. Lộ trình đến năm 2028 dự kiến có khoảng 200ha lúa sẽ chuyển sang mô hình sản xuất sinh thái, định hướng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại vùng lân cận thuộc huyện Tam Nông; tăng số hộ tham gia (10 hộ) du lịch sinh thái - ruộng vườn kết hợp với xem sếu và các hoạt động liên quan đến sinh thái ruộng vườn. Hiện nay, UBND huyện Tam Nông cùng với người dân địa phương thực hiện việc sản xuất lúa sinh thái kết hợp Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim, thực hiện tại các khu vực tiếp giáp khu A4 Vườn Quốc gia Tràm Chim, gồm ô bao số 25 (xã Phú Đức) và ô bao số 43B (xã Tân Công Sính) cùng thuộc huyện Tam Nông.
Ông Nguyễn Văn Mẫn (sinh năm 1962, ngụ ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, từ khi chuyển sang mô hình mới thì một công lúa chúng tôi thu được 3 triệu. Trước đó, lúa truyền thống không được mức như vậy. Ban đầu, gia đình cũng sợ mất mùa, thất bát nhưng chúng tôi quyết tâm theo chủ trương và được chính quyền địa phương tạo điều kiện. Bà con đều đồng lòng tham gia mô hình lúa sinh thái, mong môi trường được cải thiện để sếu có thể trú ngụ và sinh sản.
Theo ông Mẫn, sản xuất lúa kiểu truyền thống sẽ gây ô nhiễm môi trường vì độc hại từ phân bón hóa học, khói bụi từ đốt rơm rạ. Được sự động viên, tuyên truyền giáo dục của địa phương cũng như sự ủng hộ, đồng lòng của các thành viên, gia đình tôi chuyển sang mô hình lúa sinh thái để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp với hy vọng nhà nước có thể tổ chức thả sếu, bà con đón sếu về.
Theo đề án thì việc sản xuất lúa sinh thái bắt đầu thực hiện từ vụ đông xuân 2023 – 2024, đến năm 2032 phát triển nhân rộng mô hình ra khu vực vùng đệm. Riêng vùng lúa sinh thái - hữu cơ sẽ là nơi phục hồi đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động từ canh tác lúa sử dụng hóa chất và tận dụng lợi thế mùa nước nổi. Phát triển vùng lúa sinh thái - hữu cơ là nơi có tiềm năng xây dựng thương hiệu “Gạo Sếu Tam Nông” ở thị trường nội địa và quốc tế. Trên nền tảng đó sẽ gắn kết vùng lúa sinh thái - hữu cơ với du lịch sinh thái - du lịch ruộng vườn và tạo ra nông sản an toàn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện sức khỏe cho cộng đồng cư dân sinh sống quanh vùng đệm VQG gia Tràm Chim.
Được biết, việc sản xuất lúa sinh thái kết hợp Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ đã bắt đầu thực hiện từ vụ hè thu 2023, với quy mô 39ha/4 hộ tham gia. Sau 4 vụ triển khai, đến vụ hè thu 2024 diện tích tăng lên 312,5 ha/41 hộ (tăng 112,5 ha so kế hoạch). Đây cũng là giải pháp quan trọng trong việc định hướng thay đổi thói quen canh tác của nông dân, chuyển dần sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Chinoros Benjachavakul, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, tôi đã làm việc ở Việt Nam 20 năm, biết về đất nước và các hoạt động xã hội tại đây. Đây là mô hình cộng đồng, vì sếu chỉ sống được ở môi trường sạch sẽ. Đời sống của người dân và sếu gắn liền với nhau. Tôi mong dự án ở tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) sẽ đạt được hiệu quả như ở Thái.
“Xét với cương vị người Thái, tôi cũng lo lắng khi đưa sếu về Việt Nam. Liệu môi trường có đảm bảo, người dân có yêu sếu thật lòng. Việc này cũng như “gả con gái” về nhà chồng, người dân Thái mong “cô con gái” được sống vui vẻ, hạnh phúc. Nếu thành công, sếu sẽ đem đến những giá trị về mặt kinh doanh, du lịch cho Tam Nông, Đồng Tháp và cơ hội phát triển cho người dân. Tôi mong muốn người dân nơi đây sẽ nâng cao ý thức và phát triển kinh doanh, du lịch từ sếu đúng với slogan “Ban đầu, người nuôi sếu nhưng sau đó sếu nuôi người”, ông Chinoros kỳ vọng.