Dấu mốc quan trọng
Khi công bố thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết, 2 nước là láng giềng quan trọng, cần phải hợp tác với nhau để đối phó với nhiều thử thách trong cộng động quốc tế hiện nay.
Theo ông Matsuno, Chính phủ Nhật Bản quyết định mời Tổng thống Yoon Suk-yeol thăm nước này là do Tokyo và Seoul có liên hệ mật thiết với nhau kể từ khi ông Yoon Suk-yeol nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc. Trong khi đó, công bố về chuyến công du của ông Yoon Suk-yeol, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh chuyến thăm sẽ đánh dấu việc nối lại trao đổi giữa lãnh đạo hai bên và là một dấu mốc quan trọng để cải thiện và phát triển mối quan hệ song phương.
Giới quan sát nhận định chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc sẽ là cơ hội để hai nước “hạ nhiệt” căng thẳng do vấn đề lao động thời chiến và các vấn đề khác. Trả lời báo chí ngày 9-3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng cam kết sẽ cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11-2022 |
Một số quan chức Chính phủ Nhật Bản còn đề xuất nên mời Tổng thống Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Hiroshima, Nhật Bản. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ xem xét đề xuất này, đồng thời theo dõi chặt chẽ quá trình thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề lao động thời chiến của Hàn Quốc.
Hướng tới bình thường hóa
Chuyến công du được Nhật Bản và Hàn Quốc công bố sau khi Seoul thông báo 2 quyết định quan trọng vào ngày 6-3: Hàn Quốc ngừng khiếu nại Nhật Bản tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Seoul lập quỹ bồi thường nạn nhân bị buộc phải lao động tại Nhật Bản.
Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nguyên đơn, nói rằng họ hoặc thân nhân của họ bị buộc phải làm việc cho các công ty này trong Thế chiến thứ II. Theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập một quỹ để thay các công ty này bồi thường cho nguyên đơn và quỹ sẽ được các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp hỗ trợ.
Quyết định để các công ty Hàn Quốc, thay vì doanh nghiệp Nhật Bản, đứng ra bồi thường cho các nạn nhân là một thiện chí của Tổng thống Yoon Suk-yeol, người chủ trương bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản. Trên thực tế, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã được hưởng 500 triệu USD từ Nhật Bản trên danh nghĩa hợp tác kinh tế trong khuôn khổ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương năm 1965.
Tuy nhiên, Seoul vẫn tỏ mong muốn Tokyo tích cực ủng hộ thông qua các khoản đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản và xin lỗi đầy đủ. Dù khẳng định không chính thức xin lỗi lần nữa, Tokyo vẫn tỏ thiện chí giúp cải thiện quan hệ song phương. Theo một quan chức ngoại giao cấp cao Nhật Bản, được Hãng Thông tấn Kyodo trích dẫn, Tokyo có thể sẽ cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản tình nguyện đóng góp vào quỹ của Hàn Quốc.
Chuyên gia về Đông Á Karoline Postel-Vinay, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế CERI của Trường Sciences Po (Pháp), cho rằng những công ty Nhật Bản sẽ tham gia vì lợi ích chung hướng đến bình thường hóa quan hệ.
Cũng theo chuyên gia Vinay, tiến trình hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc còn có sự thúc đẩy mạnh mẽ từ phía Mỹ. Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, Mỹ cần có sự góp sức của 2 đồng minh quan trọng. Ngoài lĩnh vực an ninh, 2 nền kinh tế lớn của châu Á sẽ hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghệ cao. Seoul ngưng khiếu nại Tokyo lên WTO.
Đổi lại, Tokyo cũng dự kiến dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu chất bán dẫn sang quốc gia láng giềng (áp dụng từ tháng 7-2019) và đưa Hàn Quốc trở lại danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy để được hưởng đãi ngộ.