Xuất khẩu hải sản sụt giảm
Sau 2 năm bị thẻ vàng cảnh cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) hải sản phải tốn thêm chi phí lưu kho để nước nhập khẩu kiểm tra xuất xứ nguồn gốc. Sản phẩm của nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện kiểm tra nghiêm ngặt, nên phải tìm kiếm thị trường mới hoặc quay về thị trường nội địa. Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018; trong 8 tháng đầu năm năm 2019 chỉ đạt 251 triệu USD. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết: “Từ xếp vị trí thứ 2 nhập khẩu vào EU, sau thẻ vàng, Việt Nam đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%”.
Các mặt hàng hải sản luôn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu sang EU; trung bình kim ngạch xuất khẩu luôn đạt 350-400 triệu USD/năm, tương đương 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang EU. Với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng và sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam, các doanh nghiệp đã cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu từ tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu thủy hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp...
Hiện nay, trên cả nước có 1.733/2.618 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; 4.458/28.923 tàu cá từ 15-24m đã tham gia hệ thống giám sát hành trình tàu cá của Trung ương. Các doanh nghiệp cũng đã đề xuất, góp ý sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý như Luật Thủy sản, Nghị định hướng dẫn luật, các thông tư. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các bộ ngành liên quan và tổ chức quốc tế đã phối hợp truyền thông, tập huấn về IUU cho ngư dân.
Hiện nay, xuất khẩu sang EU đang có chiều hướng rất xấu, nhiều doanh nghiệp chấp nhận không có lợi nhuận để chờ ngày EC “thu hồi” thẻ vàng. Ngoài EU, nhiều nước cũng tăng cường kiểm tra thủy hải sản Việt Nam và giảm số lượng nhập khẩu do người tiêu dùng hạn chế dùng sản phẩm từ nước bị thẻ vàng IUU. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cho hay, năm 2018, trị giá xuất khẩu thủy hải sản của công ty chỉ còn 30 triệu USD, giảm 10 triệu USD so với năm 2017. Hiện nay, doanh nghiệp đang tìm thị trường khác và đa dạng hóa các sản phẩm.
Cần sự phối hợp từ ngư dân
Đến thời điểm này, ghi nhận trên cả nước có 113 vụ/187 tàu cá với 877 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhưng nếu thời gian tới, tàu cá vẫn còn vi phạm thì sẽ bị EC rút thẻ đỏ. Điều này đồng nghĩa, thủy hải sản không được xuất khẩu sang các nước EU cũng như các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Tây Ban Nha...
Trong một hội nghị phòng chống IUU mới đây, nhiều địa phương thừa nhận hiện vẫn còn không ít tàu cá cố tình “làm sai” như gắn thiết bị giám sát hành trình của tàu mình sang một tàu khác đang nằm trên vùng biển Việt Nam, rồi vào khai thác vùng biển nước ngoài; một số tàu lại phá sóng, không gửi tín hiệu thường xuyên. Có thuyền trưởng đã bị tước giấy phép nhưng vẫn tiếp tục sai phạm… Theo Ban quản lý cảng Tam Quan (Bình Định), nhiều tàu cá cập cảng không đủ giấy tờ, thậm chí không có. Một số tàu gần bờ, ven bờ lại cập bến khác nên rất khó quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát hành trình tàu cá của Trung ương còn chưa chính xác. Thượng tá Lê Trần Trung, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết: “Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn còn xảy ra. Ngoài lý do chủ tàu cố tình vi phạm, còn có nguyên nhân do việc phân định vùng biển chưa rõ ràng giữa Việt Nam với một số nước”.
Trước tình hình còn tàu cá vi phạm, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhìn nhận ngư dân là thành tố quan trọng để triển khai các khuyến nghị của EC, nhưng ý thức chấp hành của một bộ phận ngư dân chưa cao. Bên cạnh đó, cán bộ làm việc tại cảng chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng; hạ tầng còn hạn chế, xuống cấp. Vì thế, các địa phương cần bố trí thêm nguồn lực mới đáp ứng được yêu cầu kiểm soát nghề cá tại cảng.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đề nghị ngư dân cần phải tuân thủ Luật Thủy sản để phát triển bền vững. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang đàm phán với các nước có vùng biển giáp ranh để tàu cá 2 nước có thể khai thác mà không bị vi phạm. Tuy hiện thời còn khó khăn nhất định, nhưng với hệ thống pháp luật đã hoàn thiện, cơ chế chính sách, quản lý tàu đi vào nề nếp và cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương vào cuộc sẽ không còn tàu cá vi phạm |