Từ sau khi hải sản của Việt Nam bị thẻ vàng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đã gặp khó vì khách hàng quốc tế hạn chế hoặc ngừng mua hàng của Việt Nam.
Sáng 25-9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị “Đánh giá 1 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU (đánh bắt hải sản bất hợp pháp theo quy định của EU-PV)”.
Mục tiêu của hội nghị là bàn các giải pháp tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc và đưa ra các kiến nghị và đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hải sản đúng quy định.
Cách đây 1 năm, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản của Việt Nam và khuyến cáo Việt Nam tổ chức khai thác hải sản đúng quy định, nếu không EU sẽ chuyển cảnh báo sang thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc Việt Nam bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU.
Từ sau khi hải sản của Việt Nam bị thẻ vàng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đã gặp khó vì khách hàng quốc tế hạn chế hoặc ngừng mua hàng của Việt Nam.
Chế biến tôm xuất khẩu
Trong 1 năm qua, VASEP đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị với Bộ NN-PTNT, mời các chuyên gia EU sang tư vấn cho doanh nghiệp, góp ý Luật Thủy sản và cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản cam kết không mua hải sản từ tàu cá vi phạm các quy định về đánh bắt…
Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp tàu cá đánh bắt hợp pháp, đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu. Đơn cử, tổng sản lượng xuất khẩu hải sản vẫn tăng trưởng nhưng các chỉ số tăng trưởng từng mặt hàng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu hải sản 8 tháng đầu năm đạt 252 triệu USD, giảm 25%. Cá ngừ là mặt hàng duy trì tăng trưởng dương cao nhất, nhưng so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng qua từng tháng đều thấp hơn. Xuất khẩu mực, bạch tuộc qua các tháng tăng nhưng không ổn định…
Tại hội nghị, nhiều ban quản lý cảng cá cho biết, hiện có nhiều tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình nhưng khi ra khơi lại đọc sai tọa độ, tắt định vị, không vào cảng mà cập các bến tư nhân để xuống hàng...
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, các thông tin tàu cá vi phạm IUU không được cập nhập liên tục và vẫn chưa có chế tài đối với ngư dân vi phạm IUU. Hải sản đánh bắt bất hợp pháp vẫn có kênh tiêu thụ.
Đại diện VASEP cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, ban quản lý cảng cá để tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó VASEP sẽ tham vấn trình Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện và sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Thủy sản, cũng như sửa đổi Nghị định liên quan về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Tăng cường trao đổi và đề nghị EU hỗ trợ kỹ thuật để gỡ thẻ vàng; cung cấp hàng tháng dữ liệu “nguồn lợi” và “sản lượng khai thác” cho cộng đồng doanh nghiệp qua trang website VASEP và cập nhật thường xuyên danh sách các tàu Việt Nam và quốc tế vi phạm IUU trên website của Tổng cục Thủy sản.