Sau hơn 10 năm đẩy mạnh hoạt động đoàn múa rối Nụ Cười (ra đời vào dịp Trung thu năm 1983), đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn luôn trăn trở, sân khấu kịch sáng đèn thường xuyên dành cho người lớn, nhưng lại không có sân khấu kịch chuyên nghiệp biểu diễn thường xuyên phục vụ khán giả thiếu nhi.
Từ trăn trở đó, cùng đồng nghiệp, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho ra mắt sân khấu kịch thiếu nhi chuyên nghiệp đầu tiên vào ngày 10-8-1997, với vở Hoàng tử chăn lợn (tác giả và đạo diễn: Đoàn Khoa), có sự tham gia của các nghệ sĩ Thành Lộc, Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng ê kíp diễn viên của đoàn múa rối Nụ Cười như: Đình Toàn, Hoàng Trinh, Vũ Minh, Minh Nhí…, biểu diễn thường xuyên vào các ngày cuối tuần. Sau vở mở màn, các vở diễn Ăn khế trả vàng, Ngư ông và tiên cá… thu hút sự quan tâm của khán giả.
Với mong muốn thực hiện một sân khấu thiếu nhi hoành tráng và độc đáo hơn để khán giả nhỏ tuổi “xem đã mắt”, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn tiếp tục “liều một phen” cùng ê kíp đem chương trình kịch thiếu nhi ở sân khấu Idecaf (hơn 300 ghế) ra Nhà hát Bến Thành (hơn 1.000 ghế), đầu tư dàn dựng và ra mắt hoành tráng chương trình Ngày xửa ngày xưa số đầu tiên vào tháng 6-2000, với vở kịch Tấm Cám.
Vở diễn 15 suất liên tục, tạo nên một kỳ tích của sân khấu kịch nói thiếu nhi lúc bấy giờ. Đến mùa hè năm 2023, Ngày xửa ngày xưa số 34 Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai đang được ê kíp dàn dựng, tập diễn sôi nổi, chuẩn bị diễn suất đầu tiên vào ngày 27-5.
Khi bắt tay làm chương trình Ngày xửa ngày xưa, ê kíp thực hiện muốn thông qua các câu chuyện kịch mang hơi hướng dân gian, giả tưởng, vui nhộn, gần gũi với thế giới trong trẻo của trẻ thơ.
“Tuy nhiên, khi làm việc, chúng tôi luôn lo nhất vấn đề kịch bản, vì làm kịch thiếu nhi khó hơn kịch người lớn rất nhiều. Nghệ sĩ biểu diễn cũng mất sức nhiều hơn. Với trẻ con, câu nào nói ra, tình huống, hành động nào cũng phải mang tính giáo dục rất kỹ khi diễn trên sân khấu. Từ những cái khó ban đầu, ê kíp từng bước đi tìm lời giải và có được đáp án: trẻ con rất cần những tác phẩm sân khấu nhiều màu sắc, vui tươi, hấp dẫn, câu chuyện cuốn hút, đổi mới liên tục, có sự tương tác tốt giữa nghệ sĩ biểu diễn với khán giả nhỏ tuổi và cả phụ huynh”, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn đúc kết.
Có những năm, hoạt động sân khấu kịch nói TPHCM gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm và giữ chân khán giả, ông bầu phải chi cả trăm triệu đồng để đầu tư cho quảng cáo, sắp xếp nhân sự đi phát tờ rơi ở các trường học, “hóa trang” cho không gian nhà hát thành thủy cung thật đẹp, bắt mắt, phần đầu chương trình là 15 phút ca múa nhạc, tổ chức chơi trò chơi có thưởng, để tạo không khí sau đó mới diễn kịch. Ở chiều ngược lại, Ngày xửa ngày xưa đã là một thương hiệu vững chắc trong lòng khán giả thành phố bởi chất lượng, sự lan tỏa và thông điệp mà các chương trình đem lại.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho hay: “Thương hiệu chương trình đã được xây dựng mấy chục năm qua rồi nên chúng tôi sẽ cố gắng duy trì, tổ chức thực hiện, vì đó là quyền lợi của khán giả và cũng là quyền lợi của người biểu diễn. Chúng tôi sẽ nỗ lực giữ gìn truyền thống, anh em nghệ sĩ cùng chung tay thực hiện liên tục và xuyên suốt chương trình mang tính giáo dục rất tốt cho con trẻ này. Qua mỗi chương trình, chúng tôi luôn tự đòi hỏi bản thân làm sao để chất lượng chương trình sau phải khó hơn, hay hơn, mới lạ hơn, hình thức hấp dẫn hơn so với chương trình trước, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khán giả. Đó cũng là tiêu chí cần phải có của việc xây dựng thương hiệu sân khấu”.
Chương trình Ngày xửa ngày xưa số 34 Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (vở diễn được tác giả Quang Thảo cảm tác từ tác phẩm Bầy chim thiên nga của nhà văn Hans Christian Andersen, đạo diễn: Đình Toàn), vừa mở bán vé 23 suất từ ngày 27-5 đến 25-6 và đã hết sạch vé. Vở có sự tham gia của các NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên; các nghệ sĩ Thanh Thủy, Bạch Long, Hoàng Trinh, Lê Khánh, Hương Giang, Đình Toàn, Quang Thảo, Tuấn Khôi, Tuấn Khải… Hiện nay, lịch diễn đã sắp xếp được thêm 20 suất trong tháng 7-2023. Nếu thuận lợi, chương trình Ngày xửa ngày xưa số 34 sẽ lên lịch diễn đến hết tháng 8-2023.