Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tại TPHCM, do tác động của giá xăng dầu nên giá hàng hóa trên thị trường đã tăng liên tục trong tháng 2 và tháng 3. Tuy vậy, theo Sở Công thương TPHCM, đến nay, giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường tương đối ổn định. TPHCM đang duy trì chương trình bình ổn thị trường với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, trong đó một số có lượng hàng chiếm 30-50% thị phần và được các DN trong chương trình cam kết giữ giá ổn định đến hết tháng 3.
Chẳng hạn với các sản phẩm chế biến, đại diện Công ty Vissan cho biết do đã trữ nguyên liệu đủ sản xuất 3-5 tháng nên công ty tạm thời chưa áp dụng tăng giá theo lộ trình. Riêng với các mặt hàng thịt heo tươi sống, DN chấp nhận không tăng giá ít nhất đến cuối tháng 3 để hỗ trợ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, xét theo tình hình của thị trường cũng như những biến động giá nguyên liệu đầu vào từ cuối năm 2021 tới nay, Sở Công thương cho biết, dự kiến đến tháng 4, các DN chứng minh được chi phí đầu vào tăng có thể đề xuất điều chỉnh giá. Các sở ngành căn cứ tình hình thực tế sẽ tham mưu cho UBND TPHCM giải pháp hỗ trợ DN ổn định chi phí đầu vào. Bởi lẽ, trên thực tế, các DN phân phối hiện đại cho biết đã tiếp nhận nhiều đề xuất tăng giá của nhà cung cấp nhưng gần như chưa có đề nghị nào được xem xét, điều chỉnh. Hiện tại, các hệ thống phân phối đang rà soát, kiểm tra, tính toán các yếu tố đầu vào, nếu đề xuất có cơ sở, hợp lý thì mới được các bên phối hợp xem xét điều chỉnh giá bán và bảo đảm tuân thủ cơ chế thị trường.
Trong bối cảnh thị trường vẫn tiếp tục có nhiều biến động, ảnh hưởng tới giá hàng hóa, Sở Công thương cho biết đang lên kế hoạch tổ chức chương trình bình ổn thị trường năm 2022-2023 (diễn ra từ ngày 1-4-2022 đến 31-3-2023) trên địa bàn thành phố; đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ triển khai chương trình bình ổn thị trường tại từng địa phương. Dự kiến, nhóm mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường năm nay gồm: mặt hàng phục vụ người dân phòng chống dịch Covid-19; lương thực thực phẩm thiết yếu; mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán; mặt hàng phục vụ mùa khai giảng và các mặt hàng sữa. Năm nay, chương trình sẽ đưa vào danh sách bình ổn giá một số mặt hàng dược phẩm thiết yếu như thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, tiêu chảy, dạ dày, ho, hen phế quản, tim mạch, tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, trị giun, thấp khớp, vitamin và khoáng chất.
Ở tầm vĩ mô, nhằm ổn định thị trường trong 9 tháng còn lại của năm 2022, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24-3-2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, về điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai biện pháp bình ổn giá phù hợp.
Về phía UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện biện pháp kê khai, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường. Chủ động nghiên cứu, triển khai các chương trình bình ổn thị trường phù hợp với điều kiện tại địa phương, đúng quy định của pháp luật.