Nỗ lực giữ ổn định thị trường lương thực

Trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu đang có những biến động khó lường bởi thiếu nguồn cung thì tại TPHCM, với sự điều hành của UBND TPHCM, sự chung tay của doanh nghiệp, giá lương thực nói chung, giá gạo nói riêng vẫn giữ bình ổn.
Giá gạo vẫn giữ ổn định dù thị trường thế giới đang biến động mạnh
Giá gạo vẫn giữ ổn định dù thị trường thế giới đang biến động mạnh

Giá gạo nội địa không biến động nhiều

Năm 2023, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã lâm vào cảnh mất mùa, thiếu lương thực và câu chuyện Ấn Độ, Nga hay Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cấm xuất khẩu gạo trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua càng làm dấy lên lo ngại này. Giá gạo toàn cầu cũng đã tăng, tác động không nhỏ tới giá lúa nội địa của Việt Nam. Mặc dù vậy, chỉ có giá lúa gạo phục vụ xuất khẩu tăng mạnh, còn giá gạo phục vụ nội địa biến động không nhiều.

Theo Sở Tài chính TPHCM, từ đầu năm 2023 đến nay, giá gạo trên địa bàn thành phố vẫn giữ mức ổn định, không có hiện tượng biến động mạnh. Theo đó, giá bán lẻ mặt hàng gạo tẻ thường trung bình trong tháng 7-2023 ở mức 15.900-16.000 đồng/kg; gạo tẻ ngon từ 19.500-20.900 đồng/kg; gạo nếp thường 22.600 đồng/kg; gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg…

Để có mức giá bình ổn nói trên, theo Sở Công thương TPHCM, ngay từ đầu năm nay, chính quyền thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn. Theo đó, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được đưa vào bình ổn giá, gồm: lương thực; đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa. Trong đó, các tháng thường, lượng hàng BOTT chiếm từ 23%-31%; các tháng tết, lượng hàng BOTT chiếm từ 25%-43% nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, chương trình được thực hiện gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa, gắn kết và khai thác tối đa tiềm năng các nguồn lực xã hội nên đã thu hút đông đảo doanh nghiệp lớn như Saigon Co.op, Satra, Công ty CP Lương thực TPHCM, Công ty CP Lương thực Tấn Vương… hưởng ứng. Trong đó, Saigon Co.op - với vai trò là nhà phân phối bán lẻ thuần Việt, đã đăng ký kế hoạch bình ổn các mặt hàng từ gạo, đường, dầu ăn, thịt, rau củ quả…Chỉ tính riêng mặt hàng gạo, trong các tháng thường, Saigon Co.op có kế hoạch cung ứng 1.640 tấn, còn các tháng cao điểm mua sắm tăng lên 2.300 tấn.

Theo lãnh đạo Sở Công thương TPHCM, đa số doanh nghiệp cam kết giữ giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Và nếu có sự điều chỉnh lớn về quy định giá bán hàng BOTT thì phải có sự thống nhất của nhiều bên liên quan, gồm doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan nhà nước (dưới sự chủ trì của Sở Tài chính TPHCM).

Đảm bảo nguồn cung, giữ giá

Chia sẻ về kế hoạch BOTT từ nay đến cuối năm, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM, cho biết, thành phố luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối… Do đó, thành phố tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp BOTT xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ đúng tiến độ, kế hoạch; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân; đồng thời tổ chức bán hàng lưu động để ứng phó mọi tình huống biến động sốt giá cục bộ.

Nhận định sức mua trên thị trường hiện nay còn yếu, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn, UBND TPHCM đã triển khai tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung “Shopping Season 2023” từ ngày 15-6. Đến nay, đợt 1 của chương trình đã đóng góp vào sự tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6-2023 đạt 102.314 tỷ đồng (tăng 2,9% so với tháng 5 và tăng 11,2% so với cùng kỳ); tháng 7 đạt 103.857 tỷ đồng (tăng 1,5% so với tháng 6 và tăng 11,7% so với cùng kỳ). “Thống kê sơ bộ cho đến nay, đã có hơn 3.100 doanh nghiệp với khoảng gần 8.000 chương trình khuyến mãi hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung. Trong đó, khoảng 30% chương trình khuyến mãi có hạn mức khuyến mãi vượt 50%, nhất là các nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, văn phòng phẩm”, ông Ngô Hồng Y cho biết.

Cũng theo ông Ngô Hồng Y, Sở Công thương đã lên kế hoạch và lấy ý kiến các doanh nghiêp về sự kiện Ngày hội siêu khuyến mãi hàng hiệu (dự kiến tổ chức trong giai đoạn 2 của chương trình) với quy mô khoảng 70 gian hàng của các thương hiệu lớn, nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia trưng bày, mức ưu đãi khuyến mãi cao, giảm giá sâu.

Doanh nghiệp bán lẻ hưởng ứng Shopping Season 2023

Hưởng ứng chương trình “Shopping Season 2023” của TPHCM, Saigon Co.op đã lên kế hoạch thực hiện hàng loạt đợt khuyến mãi khác nhau, kéo dài suốt 3 tháng (từ ngày 15-6 đến 15-9). Trong đó, ở giai đoạn đầu, Saigon Co.op đã có những bố trí hợp lý việc khuyến mãi theo từng ngành hàng, lĩnh vực để đảm bảo thực hiện liên tục nhưng vẫn thu hút được khách hàng. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 9-2023, các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… sẽ tiếp tục luân phiên tổ chức các chương trình khuyến mãi sâu, tập trung vào các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân, đồng thời kích cầu mua sắm.

Tin cùng chuyên mục