Nỗ lực giữ môi trường xanh, sạch, đẹp

Số người tham gia cam kết bảo vệ môi trường ngày càng cao; nhiều điểm đen ô nhiễm được xóa; nhiều phường, xã được cấp chứng nhận xanh, sạch, thân thiện môi trường; khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh đều được thu gom, xử lý đảm bảo quy định; công tác kêu gọi tham gia các dự án cải tạo môi trường đã nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư... Đó là những kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường của TPHCM năm 2021. 

Nhiều phương án cải tạo bãi chôn lấp rác 

Theo Sở TN-MT TPHCM, trong năm 2021, sở tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Nạo vét kênh Tẻ (quận 7) góp phần cải thiện môi trường thêm xanh, sạch
Sở đã phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thêm 316 cuộc đối thoại và vận động thêm 16.706 hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch; lắp đặt thêm 942 thùng rác công cộng; giám sát, chuyển hóa thêm 20 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng; lắp đặt thêm 583 camera an ninh trật tự kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị khu dân cư. Đồng thời, hướng dẫn cho UBND cấp quận, huyện triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức mới. 


Sở TN-MT cũng đang dự thảo đề án về các chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Đến nay, đã có 137/312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố đạt tiêu chí “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường” cấp quận, huyện (đạt tỷ lệ 43,9%). Ngoài ra, công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng đảm bảo không xảy ra tình trạng rác ùn ứ, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị với tổng khối lượng thu gom, xử lý trung bình 8.500 tấn/ngày.

 Về công tác xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19, Sở TN-MT cũng đã phối hợp với Sở Y tế, Bộ Tư lệnh thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trong việc cung cấp thông tin các đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại nhằm bảo đảm lượng chất thải phát sinh tại các khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến được thu gom xử lý kịp thời. Mặt khác, đôn đốc các đơn vị xử lý chủ động đánh giá nhằm xác định khả năng lưu chứa chất thải y tế nguy hại tại nhà máy, đảm bảo khối lượng chất thải phát sinh do dịch Covid-19 được xử lý kịp thời, an toàn và không có nguy cơ phát tán mầm bệnh ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch khu vực bãi chôn lấp Đông Thạnh (Hóc Môn) và bãi chôn lấp Gò Cát (Bình Tân) gắn với nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, Sở TN-MT đã thông báo rộng rãi để kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, có kinh nghiệm đề xuất phương án cải tạo. Đến nay, sở đã nhận được hồ sơ đề xuất của nhiều công ty. Qua xem xét các đề xuất, sở nhận thấy phương án cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận của các công ty khá đa dạng, bao gồm: cải tạo mặt bằng để xây dựng công viên khoa học, khu du lịch sinh thái; tạo quỹ đất sạch để hình thành khu vực đô thị mới, hoặc xây dựng nhà máy đốt phát điện… 

 Rà soát, xác định các quỹ đất sạch 

Lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM cho biết, với nhiệm vụ là thành viên của Tổ công tác về đầu tư, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố, năm 2022, sở sẽ chủ động rà soát các khó khăn, vướng mắc trong các hồ sơ liên quan thủ tục giao, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Trong đó, tập trung giải quyết các hồ sơ đăng ký giao dịch đảm bảo, đăng ký biến động và kế hoạch đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án; đấu giá các lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Ngoài ra, để chủ động đề xuất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, đảm bảo an toàn trong sản xuất gắn với nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, Sở TN-MT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố xác định các quỹ đất sạch có vị trí gần các khu công nghiệp tập trung. 

Về công tác quản lý môi trường, Sở TN-MT tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các địa phương tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn; triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định hiện hành. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhóm giải pháp xử lý chất thải rắn theo định hướng tăng cường xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%; hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường theo quy định thông qua nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường…

Trong tình hình diễn biến dịch bệnh và biến đổi khí hậu, để môi trường thành phố  luôn được xanh, sạch là nỗ lực không chỉ của Sở TN-MT. Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, cần có sự đồng bộ, thống nhất giữa các sở, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Còn ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho rằng, thành phố nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn để đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển đúng quy định và giảm chi phí ngân sách trong xử lý rác thải.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn, lưu ý, thành phố nên đẩy mạnh phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, bởi mô hình này đang là xu hướng phát triển chung của thế giới, giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên đầu vào. 

Tin cùng chuyên mục