Để thực hiện các mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng bên cạnh những nỗ lực, huy động mọi nguồn lực trong nước thì chúng ta cũng cần đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ từ quốc tế.
Phát huy nội lực
Theo Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN-MT, trong giai đoạn 2011-2019, hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức trong công tác thích ứng với BĐKH đã được triển khai sâu rộng với nhiều nội dung phong phú; hệ thống văn bản hướng dẫn được hoàn thiện hơn. Tổ chức bộ máy về ứng phó với BĐKH từ cấp Trung ương đến địa phương tiếp tục được kiện toàn.
Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (trong đó có ứng phó với BĐKH) vẫn được bảo đảm không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng đều qua các năm. Bước đầu đã huy động được khối tư nhân tham gia hoạt động bảo vệ và phát triển rừng và đặc biệt trong phát triển điện gió, điện mặt trời thời gian gần đây. Nhiều chương trình khoa học và công nghệ với số lượng lớn đề tài nghiên cứu đã được triển khai thực hiện. Việt Nam cũng đã và đang tích cực thực hiện các nghĩa vụ của nước thành viên của Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris.
Trong đó, TPHCM đã triển khai nhiều kế hoạch, chủ trương, chính sách để ứng phó với BĐKH ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau (như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp).
Trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng, thành phố đã áp dụng, triển khai các biện pháp để giảm phát thải cho các tòa nhà; kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm hơn đến vấn đề tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng.
Trong lĩnh vực giao thông, hoạt động tập trung vào việc thu thập dữ liệu tại các cảng biển nhằm ước tính lượng giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của cảng biển.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ biogas để xử lý phế thải chăn nuôi, sử dụng khí thải từ xử lý phế thải chăn nuôi để làm nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch; ứng dụng công nghệ ủ yếm khí chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về BĐKH cho cán bộ công chức và cộng đồng.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Song song với việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan và Mỹ, Việt Nam cũng tích cực phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác để đạt được những mục tiêu đề ra về vấn đề BĐKH. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ quốc tế trong công tác chống BĐKH nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
Các tổ chức này không chỉ hỗ trợ về tài chính, khoa học và công nghệ mà còn hỗ trợ rất tích cực về mặt con người. Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản vay 84,4 triệu USD hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách chính sách đa ngành nhằm tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH trên cơ sở bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển giao thông và năng lượng xanh.
Liên quan đến nội dung này, ông Fabrice Richy, Giám đốc Cơ quan Phát triển Cộng hòa Pháp (AFD) tại Việt Nam, cho biết đến nay, AFD đã hỗ trợ hơn 1 tỷ EUR cho 30 dự án và chương trình liên quan đến BĐKH tại Việt Nam. Trong thời gian tới, việc hợp tác giữa hai bên tiếp tục theo hướng triển khai các cam kết của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã và đang đẩy mạnh rất nhiều biện pháp để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ từ quốc tế được chúng ta đặc biệt quan tâm.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, TPHCM đang trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, trong đó việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của người dân được triển khai nhiều nơi, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hợp tác với Tổ chức C40 mà TPHCM là thành viên. Thành phố thực hiện các chương trình liên quan đến BĐKH do Tổ chức C40 triển khai. Hợp tác với Hà Lan để triển khai các chương trình thích ứng với BĐKH và quản lý nước, chương trình chống ngập; hợp tác với thành phố Osaka (Nhật Bản) để cụ thể hóa và triển khai các dự án theo Cơ chế Tín chỉ chung JCM; hợp tác với JICA (Nhật Bản) triển khai Dự án SPI-NAMA (Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia) và các đối tác tiềm năng khác.