Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Theo thống kê của cơ quan quản lý môi trường, trung bình mỗi năm, nước ta thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 30 tỷ túi ni lông. Trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông/tháng và hơn 80% túi ni lông bị thải bỏ sau khi sử dụng một lần. Một số chuyên gia nhận định, nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng, tác động trực tiếp đến môi trường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Số liệu của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt tại TPHCM trong đợt dịch Covid-19 cao điểm vừa qua giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, số lượng rác thải nhựa lẫn trong rác thải sinh hoạt lại gia tăng đáng kể. Trước thực trạng đó, từ tháng 10-2021, đơn vị này khởi động lại các hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa; đồng thời liên kết với tổ chức Liên minh tái chế bao bì Việt Nam để thu gom rác thải rắn từ các trạm trung chuyển, đường dây rác, vựa phế liệu để tái chế thành sản phẩm hữu ích, nhằm giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Ghi nhận của PV Báo SGGP những ngày này cho thấy, ở nhiều hàng quán ăn uống, chợ, siêu thị trên địa bàn TPHCM, đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng bao bì, túi ni lông, các vật dụng bằng nhựa trong các hoạt động trao đổi, mua bán. Anh Võ Triều Hải, tiểu thương tại chợ An Đông (quận 5), cho biết, từ trước đến nay cửa hàng của anh chủ yếu đựng thực phẩm cho khách bằng túi ni lông vì tiện lợi, giá thành rẻ. “Tôi có tìm hiểu một số loại bao bì, túi ni lông tự hủy sinh học thân thiện môi trường, nhưng giá thành khá cao, nguồn cung còn khá ít, không đồng đều. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi dùng đến 15kg túi ni lông để phục vụ buôn bán”, anh Hải phân trần.
Trong suốt 7 năm qua, chị Trần Thị Bé, chủ quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10 vẫn sử dụng các ly nhựa, ống hút nhựa để đựng đồ uống cho khách hàng mua mang đi vì chưa tìm được các sản phẩm thay thế. “Trong đợt dịch Covid-19, khách chủ yếu mua mang đi nên số lượng ly nhựa, ống hút nhựa quán tiêu thụ khá lớn. Bước qua giai đoạn bình thường mới, quán phục vụ khách uống tại chỗ bằng ly thủy tinh. Đối với khách mua mang về, gia đình tôi vẫn phải đựng trong các ly nhựa mua sẵn ngoài tiệm, vì chưa tìm được nguồn cung các sản phẩm thân thiện môi trường có giá thành hợp lý”, chị Bé chia sẻ.
Hành động vì môi trường
Trước thực trạng này, mới đây, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về việc tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý rác thải nhựa trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, TPHCM phấn đấu đến năm 2030 hạn chế tối đa các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì khó phân hủy sinh học; dừng sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm bao bì nhựa, nhựa sử dụng một lần và những hàng hóa chứa vi nhựa.
Song song với các hoạt động quyết liệt của chính quyền thành phố, nhiều tổ chức, đơn vị tích cực tham gia giảm thiểu rác thải nhựa. Trong đó, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), nhóm Cộng đồng Xanh Việt Nam đã tổ chức chiến dịch “Clean Up Việt Nam”, vận động mọi người cùng tham gia nhặt rác bảo vệ môi trường tại các khu vực ô nhiễm, địa điểm du lịch. Mục tiêu hướng đến việc giảm thiểu rác thải nhựa, lan tỏa phong cách sống xanh - sống có trách nhiệm đến tất cả mọi người. Ngay trong sáng ngày 5-6, hơn 8.000 tình nguyện viên của nhóm đã đồng loạt ra quân tuyên truyền đến người dân về tác hại của rác thải nhựa, tổ chức nhặt, thu gom rác tại 80 điểm cầu ở 60 tỉnh, thành trên cả nước và 2 điểm cầu quốc tế ở Malaysia, Nhật Bản.
Tại TPHCM, 530 tình nguyện viên đã tổ chức dọn dẹp và nhặt rác tại Đảo Kim Cương (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức), thu gom 602 bao rác, ước tính khoảng hơn 10 tấn rác thải. Tại Hà Nội, 450 thành viên của nhóm cũng tổ chức dọn rác tại đường Nguyễn Hoàng Tôn (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) và xung quanh khu vực vườn nhãn Long Biên, thu gom gần 7 tấn rác thải các loại. Tại Hải Phòng, 41 tình nguyện viên tham gia nhặt rác, dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển Đồ Sơn, thu gom 11 tấn rác thải.
Chỉ trong ngày 5-6, nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam đã thu gom tổng cộng hơn 7.200 bao rác, ước tính khoảng 108 tấn rác thải các loại, ở 60 tỉnh, thành trên cả nước. Đa phần là rác thải xây dựng, túi ni lông, đồ nhựa sử dụng một lần, rác thải công nghiệp.... bị người dân vứt bừa bãi, không đúng quy định. Rác sau khi thu gom được nhóm phân loại. Đối với rác có khả năng tái chế, nhóm gửi tặng những người thu mua ve chai. Đối với các loại rác thải không thể tái chế, rác nguy hại thì được chính quyền địa phương hỗ trợ vận chuyển tới nhà máy xử lý theo đúng quy định.
Chị Nguyễn Ngọc Ánh, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM, người sáng lập nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam, cho biết: “Qua hoạt động của nhóm, dù là nhỏ bé nhưng chúng tôi mong muốn truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa lâu dài và hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đến tất cả mọi người”. |