Mệt mỏi chờ khám bệnh
Sáng 22-7, tại các phòng khám hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết, nội thần kinh, tiêu hóa - thận… của Bệnh viện Nhân dân 115 đông nghẹt người bệnh ngồi chờ đến lượt thăm khám. Anh Nguyễn Trọng Đại (36 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, anh đến bệnh viện bốc số xếp hàng từ 7 giờ nhưng đến hơn 9 giờ vẫn chưa tới lượt khám. Khu vực chụp chiếu X-quang, siêu âm, nội soi tiêu hóa… cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều người bệnh cầm phiếu trên tay dõi theo tấm bảng điện tử hiển thị số thứ tự, ngao ngán thở dài chờ tới lượt.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), tình trạng đông đúc và quá tải cũng diễn ra. Ngay từ sớm, ghế ngồi chờ trước cửa các phòng khám đều không còn chỗ trống. Bà N.T.H. (58 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) đến bệnh viện để tầm soát ung thư, xe khách đón bà từ nhà lúc 3 giờ sáng, đến bệnh viện lúc 6 giờ hơn và ngồi chờ hơn 2 tiếng vẫn chưa tới lượt thăm khám. “Ở đây lúc nào cũng đông, muốn khám và xét nghiệm xong trong buổi sáng thì phải đi sớm, nếu không thì kéo đến chiều”, bà H. mệt mỏi nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người bệnh từ các tỉnh đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt TPHCM phải quay về, sau khi bệnh viện thông báo tháng sau họ trở lại vì... chờ xếp lịch. Một số người bệnh có chỉ định xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cũng gặp tình trạng tương tự, do máy xạ trị không đủ phục vụ nhu cầu.
Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy, hiện thành phố có 129 bệnh viện (gồm 12 bệnh viện thuộc bộ, ngành; 32 bệnh viện thành phố; 19 bệnh viện quận, huyện và 66 bệnh viện tư nhân)… Trong đó, có 22 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, phát triển y tế chuyên sâu hàng đầu của khu vực phía Nam; 45 bệnh viện được công nhận là cơ sở đào tạo liên tục. Vì vậy, thành phố luôn tiếp nhận một lượng lớn người bệnh từ các tỉnh, thành phố phía Nam về khám chữa bệnh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, các bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp nhận 10.676.210 lượt người bệnh đến thăm khám và điều trị, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số tiền bảo hiểm y tế chi trả hơn 14.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện, như: nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, trong khi chỉ tiêu giường bệnh thấp và tăng không tương xứng với nhu cầu; sự hạn chế về nhân lực tại các trạm y tế, chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới chưa bảo đảm, dẫn tới mất lòng tin của người bệnh. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm y tế quy định phân loại thuốc theo tuyến bệnh viện còn nhiều bất cập, cùng một loại bệnh nhưng điều trị tại bệnh viện ở tuyến khác nhau thì cấp thuốc với chất lượng khác nhau. Điều này khiến cho nhiều người bệnh tự ý chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến trên vì mong được nhận thuốc có chất lượng tốt hơn, được khám bệnh bởi đội ngũ y, bác sĩ có trình độ tay nghề cao hơn.
“Chia lửa”, giảm tải cho các bệnh viện chuyên khoa
TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, hàng năm, lượng người bệnh mắc bệnh ung thư đến điều trị đều gia tăng, trong đó khoảng 80% người bệnh đến từ các tỉnh, thành phố khác. Trung bình mỗi người bệnh cần xạ trị phải chờ đợi từ 3-4 tuần, có khi lâu hơn; số lượng người bệnh chờ được phẫu thuật cũng rất nhiều. Bệnh viện có 13 máy xạ trị, các máy này hầu như hoạt động hết công suất, mỗi ngày chạy 3 ca, kéo dài đến 21 giờ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
“Để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin hẹn lịch mổ, lịch tái khám, tránh để nhiều người bệnh đến cùng lúc, sắp xếp ưu tiên các trường hợp cần phải điều trị gấp và tổ chức thăm khám từ 5 giờ sáng. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có chiến lược đầu tư phát triển các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến quận, huyện để “chia lửa”, giảm tải cho các bệnh viện chuyên khoa”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn thông tin.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đối mặt với tình trạng quá tải người bệnh từ các tỉnh, thành phố đến thăm khám ngày càng đông, ngành y tế thành phố đã và đang triển khai nhiều phương pháp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, như tăng cường phối hợp với ngành y tế các tỉnh trong quản lý người bệnh và tăng khả năng điều trị tuyến dưới. Hiện ngành y tế thành phố đã ký hợp tác với ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL với các hoạt động trọng tâm: hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TPHCM và các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng; xây dựng mạng lưới các chuyên khoa từ các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến y tế cơ sở, ưu tiên các chuyên khoa sản, nhi, ngoại thần kinh và ngoại chấn thương, đột quỵ, tim mạch, ung bướu…
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm soát bệnh tật các địa phương cũng ký kết bản ghi nhớ tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch. Ngành y tế các địa phương sẽ ưu tiên phối hợp xây dựng nền tảng ứng dụng kết nối, liên thông dữ liệu quản lý hành nghề khám chữa bệnh… “Hiện đề án y tế vùng đang được Sở Y tế TPHCM xây dựng để trình UBND TPHCM thông qua, với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực. Định kỳ 6 tháng, các địa phương sẽ sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để sớm đưa kế hoạch hợp tác trở thành những hoạt động thiết thực, hướng đến mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trong vùng”, PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định.
Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, hiện có 2/5 phòng khám vệ tinh trên địa bàn TP Thủ Đức đã đóng cửa là Phòng khám vệ tinh Hiệp Bình Chánh và Phòng khám vệ tinh Linh Trung (do Bệnh viện thành phố Thủ Đức quản lý). Nguyên nhân là không đủ nhân sự đáp ứng, hầu hết phòng khám vệ tinh là cơ sở thuê mướn, không phù hợp với quy định hiện hành, nhiều vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế…