Nỗ lực “giảm nghèo” thông tin

Thực hiện tiểu dự án giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, thời gian qua, huyện Tân Hưng triển khai nhiều giải pháp giúp người dân được tiếp cận nguồn thông tin hữu ích, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bà Nguyễn Thị Ánh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin và truyền thanh huyện Tân Hưng, cho biết, thời gian qua, cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế, vay vốn tín dụng, xây dựng nhà ở, trao sinh kế, tạo việc làm và nhiều chính sách khác, huyện còn chú trọng việc đưa thông tin đến với người dân, từ đó nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức tự giác, chủ động, sáng tạo trong công tác giảm nghèo.

Theo đó, huyện sử dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức thông tin tuyên truyền qua cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh, panô, sách báo, liên hoan văn nghệ, hội nghị… Đồng thời phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nòng cốt cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo.

Để đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, đơn vị không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng chương trình. Thông qua sóng phát thanh, Tổ truyền thanh của đơn vị tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, phản ánh kịp thời gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, các mô hình làm ăn có hiệu quả để nhân rộng trong cộng đồng... Song song đó, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện và cụ thể hóa các phong trào, cuộc vận động góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Riêng trong năm 2022, huyện tổ chức tuyên truyền hơn 2.500 cuộc với trên 66.000 lượt người tham dự, duy trì nhóm thông tin tuyên truyền, phản ứng nhanh, sử dụng đa dạng các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Fanpage, Messenger...

Qua đó, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân, động viên người nghèo nỗ lực vươn lên, thoát nghèo bền vững. Ông Võ Thành Phong, một nông dân ở xã Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng), cho biết, nhờ chương trình phát thanh của huyện phản ánh những câu chuyện có thật ở địa phương đã giúp người dân nắm được nhiều thông tin bổ ích, nhất là tin, bài thông tin về các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên địa bàn huyện. Còn theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng ấp Cây Me, xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng), qua tivi, loa phóng thanh, ông và người dân địa phương học tập được các mô hình làm kinh tế giỏi. Nhờ vậy, trước đây ấp có 492 hộ nghèo, nay chỉ còn 5 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo.

Ông Phan Hòa Nông, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, thực hiện tiểu dự án giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đề ra mục tiêu 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã được tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư; bảo đảm 100% hộ dân trên địa bàn được tiếp cận, cung cấp thông tin thiết yếu về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất...

Để thực hiện mục tiêu này, huyện chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; phân công các cơ quan, đơn vị, các hội, đoàn thể trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo tại các xã, thị trấn...

Tin cùng chuyên mục