Thoát nghèo nhờ trồng cà phê, mắc ca
Trước năm 2020, gia đình chị Y Mến ở thôn 9, xã Đắk Ruồng (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy hécta khoai mì và đàn bò, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi, gia đình chị đã thoát nghèo, đời sống khấm khá hơn nhờ có thêm thu nhập từ trồng cà phê, mắc ca. “Sau khi được cán bộ định hướng, mình chuyển sang trồng giống khoai mì cho năng suất cao hơn, trồng thêm những loại cây có giá trị cao như cà phê, mắc ca. Hiện giờ, mình có thu nhập khá hơn”, chị Y Mến nói. Ngoài hộ chị Y Mến, tại thôn 9, còn có các hộ khác thoát nghèo nhờ trồng cà phê, cao su như hộ A Túc, A Đang…
Theo ông Trần Văn Phúc, Trưởng thôn 9, xã Đắk Ruồng, thời gian qua, trung bình mỗi năm, thôn có 10 hộ thoát nghèo. Hiện trong số 500 hộ dân của thôn, hộ nghèo chỉ còn 26 hộ. Dự kiến cuối năm nay sẽ có một nửa trong số những hộ này thoát nghèo. Ông Lê Văn Dẫu, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Kon Rẫy, cho biết, giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn thực hiện tốt chương trình giảm nghèo. Trong đó, địa phương lồng ghép xây dựng chương trình nông thôn mới, sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư, vận động xóa bỏ các tập tục lạc hậu, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 1.834 hộ, chiếm tỷ lệ 24,86%.
Tại huyện biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai, ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, cho biết, huyện có hơn 26.000 hộ, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 18%. Những năm qua, mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, nhiệm kỳ này phấn đấu giảm mỗi năm 3%. Theo ông Đinh Văn Dũng, để đạt được kết quả giảm nghèo tích cực, huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, với các doanh nghiệp lớn đầu tư trên địa bàn, huyện tổ chức làm việc, đề nghị các đơn vị này sử dụng lao động là người nghèo nếu đáp ứng nhu cầu để giúp người dân có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, huyện hình thành các mô hình phát triển kinh tế, trong đó hình thành các cánh đồng ứng dụng khoa học - công nghệ, hộ nghèo tham gia sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật.
Hướng đến giảm nghèo bền vững
Theo UBND tỉnh Gia Lai, nhiều khu vực của tỉnh có địa hình hiểm trở, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân. Một số phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu dùng. Một bộ phận người nghèo có tâm lý lười lao động, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước tình hình khó khăn đó, đơn vị có kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm. Kế hoạch thực hiện bao gồm các dự án như hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo. Tổng nhu cầu vốn thực hiện kế hoạch là hơn 905 tỷ đồng. Cũng theo UBND tỉnh Gia Lai, nguyên tắc thực hiện chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng.
Tại tỉnh Kon Tum, năm 2021, số hộ thoát nghèo là 5.838 hộ, tương ứng 4,11%; đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn hơn 21.900 hộ nghèo theo chuẩn mới, chiếm 15,32%. Tại tỉnh Gia Lai, đến năm 2021, còn hơn 45.600 hộ nghèo, chiếm khoảng 12,09% tổng số hộ dân trên toàn tỉnh. |
Còn UBND tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2023, đơn vị phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 4%. Để thực hiện, tỉnh đã ban hành kế hoạch với nhu cầu vốn thực hiện là 336 tỷ đồng. Dự án này sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, tiến hành dạy nghề, hướng nghiệp tạo việc làm; xúc tiến liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo với hợp tác xã, doanh nghiệp.