Theo Tân Hoa xã, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 19) sẽ triệu tập vào ngày 18-10. Sau hơn 4 năm lãnh đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã ghi dấu ấn với nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là vượt trước kế hoạch đề ra khi GDP năm 2016 gấp 4,22 lần so với năm 2000.
Thành tựu nổi bật
Dự tính, GDP/đầu người năm 2017 sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2000, vượt trước 3 năm so với mục tiêu do Đại hội 17 đề ra. Trung Quốc đã trở thành quốc gia có lượng phát minh, bản quyền lớn nhất thế giới. Riêng 3 quý đầu năm 2016, đã có 2,649 triệu thương hiệu được đăng ký, tăng 25,2% so với năm 2015.
Quy mô thị trường nội địa mở rộng nhanh - năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký mới đạt 4 vạn hộ/ngày, hiện có khoảng 80 triệu doanh nghiệp - nhiều hơn dân số nước Đức, tương đương với tổng số lượng doanh nghiệp của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu cộng lại.
Thu nhập của người dân được nâng cao đáng kể, thu nhập bình quân của thành thị và nông thôn lần lượt tăng 5,7% và 6,3%. Chiến lược “đi ra ngoài” được thúc đẩy mạnh mẽ, năm 2015 lần đầu tiên đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ lớn hơn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
Một khu vực sầm uất ở Bắc Kinh, Trung Quốc
Có thể thấy quy mô của nền kinh tế Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Theo báo cáo của ông Hồ An Cương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tình thuộc Đại học Thanh Hoa (tháng 4-2017), tính theo sức mua (PPP), tỷ trọng quốc lực tổng hợp của Trung Quốc trong năm 2015 đã vượt Mỹ - Trung Quốc chiếm 19,68%, trong khi Mỹ chỉ 14,22%. Đến năm 2020, GDP của Trung Quốc sẽ gấp 1,43 lần GDP của Mỹ và quốc lực tổng hợp của Trung Quốc sẽ gấp 1,75 lần quốc lực tổng hợp của Mỹ…
Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ “Giấc mộng Trung Hoa”, “2 mục tiêu 100 năm”: 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và 100 năm thành lập Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; “Hoàn thành toàn diện xây dựng xã hội tiểu khang vào năm 2020”.
Tổng cộng sẽ có 2.300 đại biểu được bầu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 từ 40 đơn vị bầu cử, trong đó có 31 đảng bộ tỉnh thành trực thuộc trung ương. Ban chấp hành Trung ương khóa 19 có trên 350 ủy viên chính thức và dự khuyết, họ sẽ bầu ra Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị.
Điều đáng chú ý là, đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 sẽ không được bầu tại đại hội cấp tỉnh thành, đồng thời với ban chấp hành khóa mới như các khóa trước. Thay vào đó, đảng bộ các tỉnh thành trực thuộc trung ương sẽ tổ chức riêng một hội nghị ban chấp hành để bầu ra đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19.
Đối mặt nhiều thách thức
Trong thời gian tới, Trung Quốc nhiều khả năng phải xây dựng và sau đó tiến hành hàng loạt cải cách. Họ đối mặt với một loạt các vấn đề cần tới một mức độ nhất trí cao trong xã hội và phản ứng thống nhất trong Đảng.
Trung Quốc có một dân số đang già hóa, với tỷ lệ giới tính là 106 nam/100 nữ. Đây một phần là kết quả của những lựa chọn chính sách trong quá khứ (chính sách 1 con) và một phần do các lựa chọn của gia đình (có nhiều con hơn đòi hỏi nhiều chi phí hơn, đồng nghĩa với việc nhiều gia đình lựa chọn có 1 con).
Việc này đã dẫn tới một xã hội mà ở đó những người vẫn đang làm việc được cho là sẽ phải chăm sóc một số lượng ngày càng tăng công dân cao tuổi đã nghỉ hưu. Giống như tại các nền kinh tế phát triển ở những nơi khác, có khả năng thế hệ người Trung Quốc tiếp theo sẽ có cuộc sống khó khăn hơn so với cha mẹ của họ.
Cuộc khủng hoảng lương hưu của Trung Quốc có quy mô rất lớn. Ngoài ra, đặc điểm sức khỏe của người Trung Quốc, cũng giống như người dân tại châu Âu hay Mỹ, với tuổi thọ trung bình cao nhưng có sự gia tăng về các bệnh mãn tính như ung thư hay các vấn đề tim mạch.
Ngay cả khi quản lý được, nhóm vấn đề này sẽ đòi hỏi một lượng nguồn lực khổng lồ và cải cách lớn về hệ thống an sinh, chăm sóc sức khỏe. Việc bảo đảm và hỗ trợ lương hưu, một hệ thống chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và các công cụ hỗ trợ kế sinh nhai có liên quan là những nhiệm vụ rất tốn kém và sẽ đòi hỏi việc triển khai đáng kể các nguồn lực - điều càng trở nên khó khăn hơn bởi tăng trưởng GDP và việc tạo ra của cải bị chậm lại.
Biến đổi khí hậu và những thiệt hại về môi trường đã tác động rất lớn tại Trung Quốc. 40 năm công nghiệp hóa mạnh mẽ đã làm suy giảm chất lượng nước và không khí.
Các trung tâm đô thị của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sương khói dày đặc tới mức đáng sợ, và những hậu quả bất lợi cho sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Công cuộc hợp tác với phần còn lại của thế giới, để tìm kiếm một giải pháp công nghệ cho nhóm vấn đề này sẽ là chủ đề chính của Trung Quốc trong thập kỷ tới. Chiến dịch “làm sạch” trên quy mô rất lớn sẽ tốn kém, khó khăn. Việc Trung Quốc tiến tới đô thị hóa là một nét đặc trưng nhất quán trong tiến trình cải cách.
Tới năm 2027, sẽ có tới 70% dân số Trung Quốc sống tại các thành phố. Nhưng các trung tâm đô thị rộng lớn này, từ Bắc Kinh tới Thượng Hải và khu vực châu thổ sông Châu Giang ở miền Nam, về cơ bản sẽ không thể bền vững nếu không có bầu không khí và nguồn nước tốt hơn.
Về cải cách tài chính, khi những khác biệt về phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh và khu vực tự trị gia tăng, căng thẳng cũng sẽ tăng lên. Vấn đề này làm nổi bật tình trạng bất bình đẳng rất lớn tồn tại bên trong Trung Quốc - nơi mà các khu vực ở phía Tây có mức độ giàu có và phát triển dựa vào GDP theo đầu người thấp hơn nhiều, trong khi các khu vực phía Đông trên thực tế đã gia nhập thế giới phát triển.
Ngoài ra, năm 2016 đã chứng kiến một làn sóng thâu tóm ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc. Từ các đội bóng đá cho tới bất động sản đều trở thành đối tượng mua lại của các doanh nghiệp đến từ nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Trong bối cảnh như vậy, nhà chức trách Trung Quốc đã phải thắt chặt kiểm soát vốn để ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ. Tân Hoa xã đưa tin, Quốc vụ viện Trung Quốc lần đầu tiên chính thức công bố các quy định mới về đầu tư nước ngoài, phân chia hoạt động đầu tư ra nước ngoài thành 3 nhóm là cấm, hạn chế và khuyến khích đầu tư. Kết quả là đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay.