Tăng tốc chuyển đổi các KCX-KCN
Theo ghi nhận, TPHCM đã có 17/23 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) được quy hoạch đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 3.800ha. Sản phẩm công nghiệp trong các KCX-KCN đã chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của thành phố.
Đứng trước làn sóng đầu tư mới của DN “ngoại”, TPHCM đã tổ chức xây dựng mới các KCN theo hướng có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các DN ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, từng bước chuyển đổi các KCX-KCN hiện hữu theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.
Nhà máy Jabil Việt Nam tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM, chia sẻ, TPHCM sẽ thực hiện quy hoạch KCN gắn đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, phát triển KCN hỗ trợ, KCN chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành nhất định, như các ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động nghiên cứu và phát triển; KCN hoặc phân khu trong KCN dành cho DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, DN đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Còn với KCN hiện hữu, TPHCM thực hiện rà soát, đánh giá nhằm xây dựng, bổ sung phương án bảo vệ môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đặc biệt là công trình nhà ở, thiết chế văn hóa, phúc lợi cho người lao động, các dịch vụ phục vụ KCN, đảm bảo phát triển KCN theo hướng bền vững. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ.
“Phân vai” thu hút đầu tư
Cũng theo ông Hứa Quốc Hưng, cùng với nỗ lực cải thiện hạ tầng KCX-KCN, TPHCM xây dựng tiêu chí sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư vào các KCX-KCN phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố. Mặt khác, TPHCM thường xuyên rà soát, theo dõi, giám sát, đánh giá, phân loại các dự án đầu tư đang hoạt động trong KCN để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.
Về lâu dài, theo các chuyên gia kinh tế, TPHCM cần nghiên cứu hình thành khu kinh tế nằm ở hướng Nam, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ. Khu kinh tế là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc danh mục có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Khu kinh tế này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi khu vực ven biển kém phát triển trở thành vùng động lực phát triển kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành khu đô thị chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, phát triển du lịch và một số ngành công nghiệp sản xuất mới, tiến tới hình thành thành phố công nghiệp ven biển.
Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Thời gian gần đây, trong nhiều hội nghị bàn về kế hoạch hợp tác cùng phát triển với các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, TPHCM đã đặt vấn đề liên kết và “phân vai” một cách hợp lý với các địa phương trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Trong khi TPHCM tập trung thu hút các ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, hình thành trung tâm tài chính, thì các địa phương (với lợi thế đất đai rộng lớn, giá rẻ) có thể thu hút các ngành nghề khác, bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Các dự án giao thông kết nối vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài… đang triển khai sẽ tạo thêm động lực cho sự liên kết vùng. Do đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tư duy liên kết, hợp tác chặt chẽ, TPHCM nói riêng và các tỉnh thành khác trong vùng nói chung có đủ điều kiện để không chỉ thu hút các DN lớn đến từ Hoa Kỳ mà còn thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Ông James Ollen, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - TPHCM và Đà Nẵng: Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý công
Để môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, TPHCM cần đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số, kết hợp ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý công, có chính sách thuế tương thích với các chính sách thuế toàn cầu và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng, đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, logistics. Mặt khác, TPHCM cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư, trong đó nhất thiết phải sớm xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, TPHCM phải nâng cao chất lượng cải thiện ô nhiễm không khí, nước thải và tiếng ồn. Đồng thời thúc đẩy hoạt động cung ứng năng lượng xanh, sạch và có giải pháp khuyến khích DN chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch. Đây được xem là những nền tảng cốt lõi chiến lược để TPHCM thu hút các công ty khởi nghiệp công nghệ đầy tính sáng tạo và đổi mới đến với thành phố.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM: TPHCM đặt mục tiêu thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn
Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, TPHCM ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực có đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, xanh, thông minh, hiện đại, đổi mới sáng tạo, tạo giá trị gia tăng cao, có khả năng lan tỏa lớn, có sự gắn kết, kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp thành phố. Đồng thời, thu hút các tập đoàn, DN lớn thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại TPHCM; tập trung phát triển công nghệ số nền tảng, phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối DN TPHCM với DN FDI.
Mai Hoa (ghi)
Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, tính đến hết năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mốc 100 tỷ USD vào năm 2022.
Tại TPHCM, hiện đang có 533 dự án đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Hoa Kỳ (với tổng giá trị vốn đầu tư đạt hơn 1,4 tỷ USD) và 1.109 nhà đầu tư gián tiếp qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước (với giá trị vốn góp đạt gần 650 triệu USD). Cùng với các nhà đầu tư, có 116 văn phòng đại diện của thương nhân Hoa Kỳ cũng đang hoạt động hết sức hiệu quả trên địa bàn TPHCM và là cầu nối quan trọng trong xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ
Ngày 21-3, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức họp báo thông tin về chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đại diện 52 DN lớn của Hoa Kỳ. Đại diện USABC cho biết, trong chuyến thăm lần này, nhiều DN Hoa Kỳ có mong muốn đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam như SpaceX, Netflix, Boeing, Lockheed Martin, Bell, Pfizer, Apple, Coca-Cola, Pepsi…
Đại diện USABC cũng thông tin, hiện nay các DN lớn của Hoa Kỳ hướng đến các quốc gia là đối tác thân thiện, tin cậy để dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Việt Nam là một trong số những quốc gia được đánh giá là hấp dẫn, và được DN Hoa Kỳ lựa chọn. Còn theo đại diện AmCham, một trong các vấn đề được DN Hoa Kỳ quan tâm là việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài, và các DN Hoa Kỳ có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hiện nay Hoa Kỳ đang đứng thứ 11 trong danh sách 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 2-2023, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có 1.145 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,3 tỷ USD. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hoa Kỳ tập trung đầu tư chủ yếu là dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 43,1%), lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (32%), tiếp theo là cấp nước và xử lý chất thải, vận tải kho bãi. (LƯU THỦY - ANH THƯ)