“Di chuyển như con thoi” - có thể dùng hình ảnh này để miêu tả cho hàng loạt chuyến đi lại, làm việc chuyên ngành, liên ngành được Sở Công thương TPHCM (đơn vị đóng vai trò kết nối) triển khai liên tục suốt thời gian qua. Các cán bộ chuyên trách làm việc trực tiếp với các nhà cung ứng rau củ quả, thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm các loại tại Lâm Đồng, Đồng Nai, các tỉnh ĐBSCL…
Mỗi buổi làm việc đều thu hút khoảng vài chục doanh nghiệp cùng lãnh đạo các sở ngành tham dự. Mục tiêu hướng đến là làm sao đưa được nhiều thực phẩm ngon, đạt chuẩn từ các địa phương trên cả nước cung ứng cho người tiêu dùng tại TPHCM.
Đơn cử như chương trình “Tick xanh trách nhiệm” với sự tham gia của các sở: Công thương, NN-PTNT, An toàn thực phẩm… đã ra đời nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững cho TPHCM. Hàng hóa từ chương trình này lên kệ 8 hệ thống phân phối tại TPHCM và được kiểm soát nghiêm ngặt. Dù sản phẩm sản xuất theo chương trình “Tick xanh trách nhiệm” nhưng nếu phát hiện vi phạm lập tức bị gỡ khỏi hệ thống.
Tất nhiên, trước đó đã có khâu kiểm soát chặt đầu vào: sản phẩm được kiểm tra tại nơi sản xuất, tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ. Các chỉ tiêu được kiểm tra gồm kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the…
Cũng cần nhắc lại câu chuyện giá đỗ “ngậm” hóa chất bị cơ quan chức năng phát hiện tại Đắk Lắk gây rúng động dư luận vừa qua được xem như “phép thử” về việc giám sát chất lượng hàng hóa. Bởi theo nhận định của các cơ quan chức năng, nếu TPHCM buông lỏng giám sát an toàn thực phẩm, để xảy ra sự cố như vụ giá đỗ nói trên hậu quả sẽ rất khó lường vì mức độ tập trung dân cư lớn.
Một tín hiệu vui khác là năm nay nguồn hàng phục vụ tết cho thị trường tiêu dùng hơn 10 triệu dân của TPHCM khá dồi dào, phong phú. Tổng số tiền các doanh nghiệp chuẩn bị cho hàng tết tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, tương ứng tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm trước, ở mức 23.000 tỷ đồng, trong đó hơn 10.000 tỷ đồng phục vụ bình ổn thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu như thịt, trứng, sữa…
Mặt hàng bình ổn giá đều được bán rộng khắp tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các đợt bán hàng lưu động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp… Mức giá bán ra của hàng bình ổn luôn thấp hơn ít nhất 5% so với hàng hóa cùng quy cách, chủng loại, chất lượng có mặt trên thị trường.
Thêm nữa, các hệ thống bán lẻ cũng đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi giá đến người tiêu dùng với mức giảm từ 10%-70% tùy mặt hàng, tạo điều kiện để mọi người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, yên tâm sắm tết.
Từ bài học kinh nghiệm bán hàng thành công của TPHCM, TP Vũng Tàu đã triển khai thử nghiệm và gặt hái được kết quả tích cực, khi lượng khách đổ về mua sắm tăng mạnh; một số tỉnh khác cũng đến TPHCM học hỏi cách làm.
Tính đến thời điểm này, sức mua đối với một số ngành hàng đã bật tăng từ 50%-100% so với bình thường, không khí mua sắm đã bắt đầu nhộn nhịp, tấp nập tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ đêm. Đây là giai đoạn cao điểm đáng mong chờ nhất của hàng triệu người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM cũng như nhà sản xuất.
Nhà nhà đỏ lửa, tiêu dùng khởi sắc, sức mua mạnh giúp hàng hóa lưu thông sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng vốn được lưu thông, thúc đẩy kinh tế phát triển. Một mùa xuân mới sắp về, thanh âm của chợ tết vang rộn khắp nơi!