Tặng thẻ BHYT cho học sinh khó khăn
Tại Trường Tiểu học Giồng Ông Tố (quận 2), cô Trần Thị Ngọc Diễm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, trường đã nâng cấp phòng y tế, mua sắm thuốc men, dụng cụ để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho học sinh. Với trường hợp khó khăn, nhà trường vận động mạnh thường quân, xây dựng quỹ xã hội hóa mua thẻ BHYT tặng các em.
Tương tự, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận 2) Đặng Quang Trung cho biết, một số học sinh dự định không tham gia BHYT. Bởi gia đình cho rằng đã mua bảo hiểm thương mại nên không cần BHYT nữa; hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngại mua thẻ. Những gia đình định thay thế BHYT bằng bảo hiểm thương mại, nhà trường trao đổi rõ. Cụ thể, việc HS-SV tham gia BHYT là tuân thủ quy định của pháp luật (thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT). Điều này nhằm chăm sóc sức khỏe cho bản thân và mang tính chia sẻ, nhân văn với cộng đồng.
“Các em năng động, giờ ra chơi, ngoại khóa thường chạy nhảy, có khi vô ý té ngã, rồi ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Chi phí khám chữa bệnh có khi lên tới vài chục triệu đồng. Nhà giàu có khi còn “khóc”, huống chi nhà có hoàn cảnh khó khăn. Nếu có thẻ BHYT thì chi phí khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả, rủi ro về kinh tế sẽ vơi bớt nhiều phần”, ông Đặng Quang Trung nhìn nhận.
Tại quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho hay, quận có lượng người nhập cư gia tăng hàng năm. Trong đó, nhiều học sinh là con em của những cư dân mới đến sinh sống có hoàn cảnh khó khăn, việc thụ hưởng một số chính sách còn hạn chế vì không có hộ khẩu. Phòng đã đề nghị các trường thực hiện tốt BHYT, giúp đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nay, quận có 12 trường có học sinh đã tham gia BHYT 100%. Còn một số trường có tỷ lệ chưa tốt, ở mức 94%, phòng đề nghị phải tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Nếu không đạt 100% như chỉ tiêu thì ít nhất cũng cần đạt 98%-99% học sinh có thẻ BHYT. Càng trân trọng khi Quỹ từ thiện Tâm nguyện Việt đã tặng gần 600 thẻ BHYT trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.
Tiền mua BHYT không đáng so với tiền điều trị
Là người có thâm niên hơn 10 năm chuyên trợ giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận xét, BHYT đã có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người bệnh. Đặc biệt, người tham gia BHYT 5 năm liên tục thì sẽ được hưởng 100% nếu đã đồng chi trả 6 tháng lương cơ sở (hiện là 1,49 triệu đồng/tháng).
Mới đây, Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị một thầy giáo bị gãy chân. Người này mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh nên mất nhiều máu, rơi vào nguy kịch. Thuốc trị bệnh này rất đắt và toàn bộ chi phí điều trị 11 tỷ đồng đã được quỹ BHYT chi trả.
“Có trường hợp điều trị phải tốn kém cả chục, cả trăm triệu, thậm chỉ cả tỷ đồng. Tiền mua thẻ BHYT chỉ hơn 800.000 đồng, so với mức chi phí điều trị ở bệnh viện thì không đáng bao nhiêu. Vì thế, thẻ BHYT rất cần cho mỗi người để bảo vệ bản thân. Nếu không xài tức là may mắn sức khỏe tốt; còn nếu xài thì có quỹ BHYT chi trả, tránh rơi vào rủi ro kép - vừa đau ốm, vừa tốn tiền”, ông Lê Minh Hiển chia sẻ.
Với 97.000 HS-SV chưa có thẻ BHYT, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, BHXH TPHCM đang phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM nâng cao tỷ lệ HS-SV tham gia BHYT. BHXH TPHCM cũng đôn đốc các khâu tiếp nhận hồ sơ tham gia, thẩm định, xử lý dữ liệu và cấp thẻ đảm bảo kịp thời, đúng quy định; phối hợp với nhà trường cấp thẻ học sinh cho các em dưới 14 tuổi, chưa được cấp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Năm nay, Sở GD-ĐT TPHCM đưa chỉ tiêu tham gia BHYT HS-SV là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của trường học. Sở phấn đấu đến hết năm học 2020-2021, đạt 100% HS-SV tham gia BHYT.
Ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng Mức đóng BHYT HS-SV bằng 4,5% mức lương cơ sở x với số tháng tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ BHYT (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng), tương ứng với số tiền hơn 200.000 đồng, 400.000 đồng, 600.000 đồng và 800.000 đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%; HS-SV đóng 70%. Với học sinh lớp 1, giá trị sử dụng thẻ bắt đầu từ ngày 1-10 năm đầu tiên của cấp tiểu học, hoặc ngày 1-11, hoặc ngày 1-12 tháng liền kề tháng với trẻ đủ 72 tháng tuổi. Với học sinh lớp 12, thẻ sử dụng đến hết ngày 30-9 của năm đó. Với HS-SV năm thứ nhất, thẻ sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng. Đối với HS-SV năm cuối, thẻ sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học. |