Ổ dịch đầu tiên xuất hiện trở lại ở Cà Mau xảy ra trên địa bàn xã Khánh Thuận (huyện U Minh). Thực hiện công tác giảm nghèo (dự án 135), ngày 17-8, cơ quan chức năng nhập heo từ huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) về cấp phát cho các hộ dân xã Khánh Thuận nuôi. Tuy nhiên, nuôi một thời gian thì hộ ông Lê Văn Phúc có heo chết và có triệu chứng như bệnh DTHCP.
Cơ quan thú y lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Theo kết quả của Chi cục Thú y vùng VII, heo của hộ ông Phúc dương tính với DTHCP. Ngoài ra, trên địa bàn xã Khánh Thuận có 20 hộ chăn nuôi ở 4 ấp thuộc dự án này có số heo mắc bệnh chết là 64 con (có 5 con heo của địa phương; 59/60 con thuộc dự án).
Tương tự, ngày 10-9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau nhận được thông báo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VII về kết quả mẫu bệnh phẩm trên heo tại hộ ông Trần Văn Sơn, ngụ ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn dương tính với DTHCP.
2 con heo của ông Sơn chết bị DTHCP cũng thuộc dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, được nhập về từ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Điều đáng nói, không chỉ heo của hộ ông Sơn mà nhiều hộ dân khác trên địa bàn, heo thuộc dự án cũng bị chết vì DTHCP. UBND huyện Năm Căn công bố DTHCP trên địa bàn xã Lâm Hải.
Tại Sóc Trăng, ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này cho biết, mới đây vào ngày 14-9, địa phương đã phát hiện 255 con heo mắc DTHCP. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiến hành tiêu hủy kịp thời số heo trên, với tổng trọng lượng gần 5.500kg. Số lượng heo nhiễm bệnh được phát hiện tại một điểm trung chuyển heo ở phường 3, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Chủ cở sở trung chuyển này đã kịp thời phát hiện 2 con heo bị chết bất thường nên đã trình báo với chính quyền địa phương. Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng lấy mẫu gửi về Chi cục Chăn nuôi và Thú y vùng VII để xét nghiệm. Kết quả, đàn heo trên dương tính với DTHCP.
Sau khi xảy ra ổ DTHCP trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tập trung thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo kiểm tra, rà soát nguồn gốc con giống đã cấp phát cho hộ dân thuộc các dự án nuôi heo thương phẩm; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh thích hợp.
Trong khi đó, tại Đồng Tháp, ông Bạch Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp, cho biết ngành nông nghiệp đã có kế hoạch tái đàn nhưng còn khá chậm. Vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ người dân còn ngại tái đàn, bởi tình hình dịch bệnh chưa kiểm soát tốt.
Ông Kiệt cho biết thêm, hiện giá heo giống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trên 3 triệu đồng/con (loại 7-8kg), do chi phí về con giống khá cao nên người chăn nuôi sẽ không có lời. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc tái đàn còn chậm so với kế hoạch của tỉnh.
Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm ở Cà Mau Tại Cà Mau đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời). Cụ thể, ngày 3-9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau nhận được báo cáo từ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trần Văn Thời về tình hình dịch bệnh tại hộ ông Phạm Văn Tòng (ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) có đàn gia cầm bị bệnh chết nhiều và chết nhanh (chết 63/85 con gia cầm). Kết quả, mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm gia cầm H5N1.Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan chuyên môn rà soát, tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn có nguy cơ cao và thuộc đối tượng tiêm phòng, đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80%. Ngoài ra, thường xuyên rà soát bổ sung cho đàn mới và chưa được tiêm phòng. |