Nguy cơ… hết voi nhà
Đắk Lắk được biết đến là “thủ phủ” của voi nhà, nhưng số lượng voi đang suy giảm nghiêm trọng và hiện chỉ còn 37 cá thể. Trong số đó, có 23 cá thể đang bị vắt kiệt sức khi hàng ngày oằn lưng chở khách tại các khu du lịch.
Theo ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng (Sở NN-PTNT Đắk Lắk), voi nhà không còn kéo gỗ như trước mà bị bắt chở khách tại các điểm du lịch, dẫn đến voi dễ bị căng thẳng, trở nên hung dữ.
“Nhằm giảm tình trạng bóc lột sức lao động của voi nhà, Tổ chức Động vật châu Á đang tài trợ cho tỉnh Đắk Lắk chuyển đổi đề án từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Dự kiến toàn bộ cá thể voi còn lại thuộc sở hữu của người dân ở địa phương và các công ty du lịch sẽ được chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi, chậm nhất đến năm 2025. Nếu chủ voi tham gia sẽ được nhận tiền hỗ trợ. Đề án này đang trình thẩm định trước khi phê duyệt”, ông Phước cho biết.
Do đã quá tuổi, các cá thể voi nhà không còn khả năng sinh sản, mặc dù những năm qua, các đơn vị liên quan đã tích cực thực hiện phối giống. “Đơn vị đã có văn bản trình UBND tỉnh, Chính phủ nhập khẩu voi cái đang ở tuổi sinh sản từ các nước Đông Nam Á về Việt Nam để phối giống, phát triển cá thể voi con. Nếu cá thể voi cái nhập khẩu mà sinh sản được thì voi nhà Đắk Lắk sẽ không bị tuyệt chủng”, ông Trần Xuân Phước kỳ vọng.
Bảo tồn voi hoang dã
Nếu như hàng chục năm trước, voi rừng ở Tây Nguyên khá nhiều thì nay số lượng suy giảm nghiêm trọng vì nhiều lý do, bao gồm cả nạn săn bắn. Hiện, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng (Sở NN-PTNT Đắk Lắk) đang theo dõi 4 đàn voi rừng với khoảng 60 cá thể. Hàng năm, số voi rừng này di chuyển qua lại giữa Việt Nam và Campuchia.
Tại Việt Nam, voi rừng thường di chuyển theo hành lang từ xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn) qua các xã Ya Tờ Mốt, Cư Mlah... (huyện Ea Súp, cùng thuộc tỉnh Đắk Lắk) rồi đến các xã Ia Mơ, Ia Ga, Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Theo người dân, voi rừng rất hung dữ, lại không được giám sát nên mỗi nơi voi đi qua đều tiềm ẩn nguy cơ xung đột, khiến tính mạng người dân thường xuyên bị đe dọa.
Theo một lãnh đạo Đồn Biên phòng Ia Mơ (đóng tại xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), lần voi rừng về gần nhất là khoảng giữa tháng 6, và mới đây cán bộ chiến sĩ vẫn còn phát hiện dấu vết voi. Cũng theo vị này, những năm qua, voi rừng thường xuyên về địa bàn, có lúc về sát ngay Đồn Biên phòng, ruộng vườn của người dân.
Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông (tỉnh Gia Lai), cho biết, khi voi rừng về, địa phương tổ chức xua đuổi để tránh voi tấn công người, đồng thời nghiêm cấm bà con săn bắn để lấy lông voi, ngà voi. Tuy nhiên, voi rừng về thất thường, không biết được đường di chuyển của voi nên chính quyền không thể cảnh báo sớm cho người dân.
Theo ông Trần Xuân Phước, việc theo dõi, bảo vệ voi rừng và giảm nạn xung đột giữa voi và người sẽ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, nếu đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS cho voi hoang dã được triển khai.
“Voi rừng đi theo đàn nên nếu gắn thì chỉ cần gắn thiết bị định vị GPS cho một con là có thể theo dõi được cả đàn. Từ đó, sẽ biết tình trạng đàn voi rừng, hướng di chuyển để chủ động báo cho địa phương có phương án bảo vệ cũng như cảnh báo người dân tránh xa nơi voi di chuyển”, ông Phước nhấn mạnh.
Nói về bảo tồn đàn voi ở Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) - một trong những tổ chức xã hội đầu tiên về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại Việt Nam, cho rằng, ngành chức năng cần có những chế tài xử lý mạnh những điểm buôn bán sản phẩm có nguồn gốc từ voi. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ voi như ngà voi, lông đuôi voi… |